(Tinmoi.vn) Philip Bowring, một nhà báo và nhà bình luận Hồng Kông nói rằng chính sự “mặc cảm tự tôn” và trò “đọc lịch sử có chọn lọc” tại Đông Nam Á của Bắc Kinh đã gây ra căng thẳng trên Biển Đông.
Hành vi hiện tại của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông rất hung hăng, ngạo mạn và sặc mùi chủ nghĩa sô vanh đại Hán (tư tưởng coi người Hán là thượng đẳng so với các dân tộc khác), chủ nghĩa vị chủng. Xa hơn nữa, đây là biểu hiện của lòng tự hào dân tộc biến chủ nghĩa yêu nước thành một thứ xấu xa. Những người Hồng Kông yêu nước nên nhận ra điều này là gì: một âm mưu nguy hiểm.
Bắc Kinh không chỉ nhe nanh bành trướng đến Việt Nam, Philippines mà còn thành công khi biến Indonesia từ vị trí một nước trung gian giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ở Biển Đông thành đối thủ. Chỉ trong vài tháng trở lại đây, Indonesia đã 2 lần cáo buộc Trung Quốc có âm mưu chiếm một phần quần đảo Natuna của nước này. Điều này đã vượt quá cái mà Trung Quốc gọi là “trỗi dậy hòa bình” khi mà anh đi gây hấn với nước láng giềng với số dân hơn 400 triệu, đất nước bị anh coi là yếu.
Tất cả tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc gói gọn trong đường chín đoạn kéo dài hơn 1.000 hải lý từ bờ biển Quảng Đông và Hải Nam tới gần Borneo, hòn đảo chung giữa Malaysia, Indonesia và Brunei cộng thêm hầu hết vùng biển của Việt Nam và Philippines. Theo tuyên bố này, Trung Quốc chiếm hơn 90% biển Đông, mặc dù Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) chỉ có khoảng 20% bờ biển tại khu vực này.
Tất cả những tuyên bố trên đều dựa trên lịch sử có lợi cho Trung Quốc mà bỏ qua sự tồn tại của các dân tộc khác cũng như lịch sử hàng hải và thương mại của họ từ 2.000 năm trước. Thậm chí, những điều này còn có trước khi doanh nhân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động xuống vùng biển phía nam và xa hơn nữa. Người Indonesia đã đến châu Phi và Madagascar để biến nơi đây thành thuộc địa từ hơn 500 năm trước cả Trịnh Hòa (nhà thám hiểm Trung Quốc thế kỷ 14-15). Đổi lại, các nước Đông Nam Á hấp thụ nhiều hơn từ Ấn Độ và thế giới Hồi giáo nhiều hơn Trung Quốc.
Xung đột hiện tại với Việt Nam là do Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển phía đông Đà Nẵng mà phía Trung Quốc chỉ coi là một trường hợp nhỏ. Trung Quốc đưa ra lý luận rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc sở hữu của họ ở gần vị trí giàn khoan hơn Việt Nam. Nhưng thực tế thì các đảo này là do Trung Quốc vô cớ xâm chiếm năm 1974.
Tàu Trung Quốc hoạt động quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981)
Vẫn có cách để giải quyết trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc. Theo tin tức, Malaysia và Thái Lan từng quản lý một khu vực nhiều khí đốt tại Vịnh Thái Lan. Các quốc gia khác trong khu vực - Indonesia, Singapore, Malaysia - đã đưa vấn đề quyền sở hữu hòn đảo ra Tòa án Công lý Quốc tế và chấp nhận kết quả của tòa. Nhưng Trung Quốc vẫn không muốn thỏa hiệp và sự phân xử của trọng tài quốc tế. Trong khi đó, sự phát triển chung là không thể bởi vì Trung Quốc luôn biến các vùng tranh chấp thành điều kiện chấp nhận chủ quyền của mình
Trong trường hợp của bãi cạn ngầm ngoài Philippines, Trung Quốc đã đưa ra những chứng cứ lịch sử do họ “phát minh” ra và thực tế là họ đệ đơn tuyên bố chủ quyền trước - một căn cứ yếu ớt bởi Trung Quốc không thường xuyên có mặt tại đây và Philippines ngay từ đầu được thừa hưởng bãi cạn này sau hiệp ước giữa 2 nước thực dân phương Tây. Những bãi cạn và khu vực bao quanh mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và nằm trong vùng biển mà ngư dân nước này từ lâu đã qua lại, không có gì để tranh cãi.
Bãi cạn Scarborough cách Luzon, Philippines khoảng 200 km và cách Trung Quốc 650km. Tuyên bố chủ quyền tại Bãi Trăng Khuyết còn vô lý hơn. Đó là rặng san hô, nơi Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc săn rùa trộm. Các rặng sạn hô này cách Palawan 110 km và cách Trung Quốc tới 1.500 km.
Thực tế là những tuyên bố vô lý này có từ thời Quốc Dân Đảng và nó không có ý nghĩa gì cả. Kể cả chuyện ngày xưa quốc gia này có thỉnh thoảng cống nạp cho Bắc Kinh. Đối với các quốc gia kinh doanh, việc cống nạp cũng giống như một loại thuế, nộp phí kinh doanh cho Trung Quốc thì không có nghĩa Trung Quốc nắm chủ quyền tại khu vực này. Và nếu Trung Quốc thỉnh thoảng đóng vai trò như một đế quốc trong khu vực, điều đó chắc chắn gây ra quan ngại, thì cũng không phải là cơ sở để họ trở thành chúa tể tại vùng biển của người Malay. Nếu không thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể tuyên bố chủ quyền tại Ai Cập còn Nga có thể chiếm toàn bộ vùng Trung Á.
Một Trung Quốc đang hồi sinh muốn thể hiện sức mạnh của mình và cho thấy ai là ông chủ trong khu vực - cũng giống như việc họ cố gắng chứng tỏ với Việt Nam vào năm 1979 - và nhắc nhở người Mỹ về điểm yếu của mình. Trung Quốc đang lưỡng lự trong việc đối xử công bằng với những người hàng xóm phi Hán hóa. Những quốc gia này, ngoại trừ Việt Nam, có lịch sử và nền văn hóa riêng, chưa bao giờ chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.
Lịch sử đầy ngạo mạn của Trung Quốc đã có từ lâu đời. Niềm tin vào thuyết ưu sinh, sự cần thiết phải bảo vệ và nâng cao đặc tính người Hán phát triển mạnh mẽ trong thời Cộng Hòa, đặc biệt trong các ý kiến và Chính sách xã hội Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Từ lâu, quan điểm này đã bị phương Tây loại bỏ và bị chỉ trích dưới thời Mao Trạch Đông. Nhưng nó đang dần trở lại đại lục, nơi một số học giả cho rằng thật khó chấp nhận khi con người hiện đại có nguồn gốc từ châu Phi và do đó, Trung Quốc không phải là nguồn gốc duy nhất và độc đáo của nhân loại.
Bảo Linh (Theo scmp)