Nghịch lý này vẫn hiện hữu ở châu Phi như cách nó tồn tại hàng thế kỷ ở châu lục này.
Tỉnh Katanga thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, bao gồm cả các khoáng sản giá trị với trữ lượng lớn như kim cương, vàng hay tantalum.
Ở Katanga, một sự bùng nổ về khai thác đã diễn ra trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ, khi Tổng thống Laurent – Desire Kabila và con trai ông cho phép các công ty khai mỏ quốc tế thu lợi từ kho báu quốc gia.
Sự dàn xếp này tạo ra nguồn của cải dồi dào, đem đến sự giàu có cho các tầng lớp dân chúng ở Congo, đặc biệt là những người khai mỏ. Nhưng với người nghèo, lợi ích được hưởng là không đáng kể. Theo một điều tra của Liên Hợp Quốc, từ năm 1999 đến năm 2000, chế độ Kabila “đã chuyển giao ít nhất 5 tỷ đô la Mỹ quyền sở hữu thuộc về khu vực nhà nước sang các công ty tư nhân mà không có bất cứ bồi thường hay trợ cấp cho Kho bạc Nhà nước”.
Sự phồn thịnh này diễn ra đồng thời với một cuộc đàn áp tàn nhẫn do bất đồng chính kiến. Năm 2004, một nhóm nhỏ tiếp quản một mỏ đang khai thác bởi công ty Anvil Mining của Úc, phản đối việc các công ty thu được nguồn lợi khổng lồ mà không khen thưởng cho lực lượng lao động địa phương. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, quân đội Congo đã đàn áp cuộc nổi dậy và giết hơn 100 người.
Các công nhân khai thác coban từ một hồ nước tại tỉnh Katanga, Cộng hòa Congo. Ảnh: Getty |
Chủ nghĩa thực dân hiện đại
Không phải ngẫu nhiên mà sự giàu có đáng kinh ngạc, bạo lực tràn lan và nghèo đói ở Cộng hòa Congo lại kết hợp “hài hòa” với nhau. Đây được coi như một phần của khuôn mẫu gây ra sự tàn phá khắp châu Phi. Trong một ấn phẩm mới của The Looting Machine, tác giả của cuốn sách Tom Burgis đã tiến hành điều tra về nghịch lý giữa “một bên là lục địa nghèo nhất thế giới, nhưng cũng có thể cho rằng, đây là lục địa giàu có nhất”.
Burgis, một cựu phóng viên cho Lagos và Johannesburg, đã chứng kiến một loạt các chính phủ bất lương qua chuyến đi của mình đến hàng chục các quốc gia giàu tài nguyên. Nhưng một trong những vấn đề chính được phát hiện đó là sự tước đoạt nguồn tài nguyên với số lượng lớn trong thời kỳ thuộc địa đã chỉ chậm lại suốt giai đoạn sau độc lập.
“Khi thế lực bên ngoài rời đi, bạn chỉ còn lại một tầng lớp không có sự phân chia giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Nguồn thu duy nhất để giàu có là mỏ hoặc giếng dầu, và đó là công thức chung xuất hiện ở các quốc gia mắc căn bệnh tham nhũng trầm trọng. Ở một nơi nào đó như Nigeria, giới tinh hoa muốn tự tạo ra các thứ thuế từ nguồn tài nguyên dầu mỏ hay khai khoáng mang lại”.
Burgis trích dẫn một tàn tích khác của thời kỳ thuộc địa trong sự hiện diện liên tục và sức mạnh của các công ty dầu khí và khai mỏ. Burgis cho rằng có “các công ty xuyên quốc gia nắm giữ một quyền lực về kinh tế cũng như chính trị khủng khiếp ở châu Phi sau độc lập. Bằng cách này, một sợi dây kết nối từ khai thác thời thuộc địa với khai thác thời hiện đại được hình thành”.
“Cung cấp nhiên liệu” cho đàn áp
Burgis lập luận, các chính phủ phải dựa vào nguồn Doanh thu từ tài nguyên dẫn đến tham nhũng và đàn áp, cuối cùng là không có trách nhiệm với người dân của mình. Ông lấy Angola – đất nước có nguồn thu từ dầu chiếm một nửa GDP, như một ví dụ cho việc chính phủ là “dịch vụ của tầng lớp thượng lưu”. Theo số liệu kiểm toán của IMF năm 2011 cho thấy, 32 tỷ đô la Mỹ biến mất khỏi tài khoản chính thức trong giai đoạn 2007-2010, chiếm 25% thu nhập của nhà nước.
Các tầng lớp thượng lưu Angola từ chối trách nhiệm và không chịu bất cứ thách thức nào từ cộng đồng. Burgis nhớ lại trường hợp gần đây khi các nhà hoạt động bị bắt giam được đề cập trong một cuốn sách ủng hộ dân chủ.
Trong tác phẩm của mình, tác giả có viết “chính phủ có thể hành xử như vậy nếu thấy không cần sự đồng ý của người dân”. Angola đã có những hành động để giải quyết những chỉ trích trong những năm gần đây. Điều này được thể hiện trong cuộc bầu cử năm 2012 được các quan sát viên trung lập nhận xét là “tự do và công bằng”. Tuy vậy, những nhóm nhân quyền chứng thực rằng đàn áp vẫn là một thực tế của cuộc sống.
Đống rác này ngày một cao lên trong khi tiền bạc mà Angola dành cho cộng đồng quá ít ỏi. Ảnh: Getty |
Những thỏa thuận bí mật
Sự phát triển mạnh mẽ của các ngân hàng nước ngoài trong những năm cuối thế kỷ XX đã tạo ra các cơ hội mới cho các ông trùm tài nguyên, để che giấu dấu vết, một thực tế đã được phơi bày trong hồ sơ Panama.
Doanh nhân Israel Dan Gertler là người đi tiên phong từ rất sớm. Sau khi gây dựng được một tình bạn thân thiết với Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Congo Joseph Kabila, Gertler gần như nắm giữ độc quyền việc xuất khẩu kim cương của quốc gia này, và nhanh chóng trở thành tỷ phú. Gertler chuyển tiền mặt thông qua một mạng lưới phức tạp các tài khoản nước ngoài trong “thiên đường” thuế, đồng thời giữ bí mật thông tin chi tiết các giao dịch gây tranh cãi.
Burgis cho biết, “Trong trường hợp của các giao dịch tài nguyên ở châu Phi, các quỹ nước ngoài sẽ che dấu các giao dịch đáng ngờ. Trong những năm 1980, theo nghĩa đen, hối lộ là những chiếc xe chứa đầy tiền mặt và bạn chuyển giao chiếc chìa khóa cho nỗ lực hối lộ của bạn”.
“Ngày nay, hối lộ phức tạp hơn nhiều, và trở nên khó xác định hơn. Bạn phải xâm nhập rất nhiều những bí mật ở nước ngoài để có thể nhìn được những mâu thuẫn của lợi ích nằm sâu trong trung tâm”.
Thời đại của tài chính toàn cầu đã tạo cơ hội cho các thị trường ở châu Phi hình thành một thế hệ mới các thương nhân bí ẩn. Burgis dành nhiều thời gian để lần theo dấu vết Sam Pa, một thương nhân kín tiếng người Trung Quốc, người đã sử dụng rất nhiều mật danh khi tiến hành giao dịch trên khắp lục địa, từ dầu mỏ ở Angola đến kim cương ở Zimbabwe. Pa được cho là dẫn đầu nhóm đầu tư bí mật Queensway. Burgis cho rằng Pa chính là người đại diện cho nhà nước Trung Quốc, mặc dù chính phủ phủ nhận điều này.
Phá vỡ dây chuyền
Burgis hoài nghi việc ngành công nghiệp tài nguyên có thể sẽ được cải tổ. “Có một khả năng đáng lo ngại rằng không thể đưa các nguồn lực tự nhiên ở các nước này đóng góp cho lợi ích chung. Hầu như ở khắp các nơi nhận được một nguồn lợi đáng kể từ dầu mỏ hay khai khoáng thì thường xảy ra bạo lực – điều đó được thể hiện trong bản chất của các ngành công nghiệp khi nó là nguyên nhân gây ra những vấn đề”.
Botswana và Nam Phi đã thích nghi từ sự tăng lên của chuỗi giá trị - đó là phát triển các ngành công nghiệp có tay nghề cao từ các ngành tài nguyên thiên nhiên thay vì chỉ xuất khẩu thô, chẳng hạn như đánh bóng kim cương hoặc các cho ra đời các sản phẩm hàng hóa kim loại. Burgis tin rằng đa dạng hóa nền kinh tế đi từ một nguồn tài nguyên đơn lẻ - như chính phủ của Tổng thống Buhari ở Nigeria đang cố gắng làm – có thể làm giảm những ảnh hưởng từ sự lệ thuộc.
Burgis cũng gợi ý một lựa chọn khác đó là giữ nguồn tài nguyên ở trong nước và nâng giá thuế quan để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo châu Phi không muốn áp dụng biện pháp đó.
Burgis cho hay “Chúng ta có một hệ thống thương mại quốc tế với các quy định ngặt nghèo về thuế quan. Các nước châu Phi đã thông qua một thị trường chính thống để từ đó buộc họ phải cắt giảm các bang và nắm lấy thời cơ từ nền kinh tế thị trường – nơi mà đa số họ là những kẻ thua cuộc”.
Đánh bóng kim cương ở Bostwana, một trong những ngành công nghiệp kỹ thuật cao tại nước này. Ảnh: Getty |
Đồng lõa tập thể
Trách nhiệm đối với sự tuyệt vọng của các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên vượt xa tầm kiểm soát của các thương nhân cũng như các nhà độc tài. Các nền kinh tế toàn cầu vẫn đòi hỏi một nguồn cung cấp nguyên liệu lớn từ các nước châu Phi, hình thành một tình thế bắt buộc để duy trì hiện tại.
Burgis hoan nghênh các bước tiến như “Quá trình Kimberley” để ngăn ngừa hiện tượng thương mại “kim cương máu”. “Bài học cho những người phương Tây đang muốn giải quyết những thiệt hại từ các ngành công nghiệp dầu mỏ cũng như khai khoáng. Và tham nhũng sẽ đi cùng với họ. Vấn đề này hiện vẫn tồn tại trong hệ thống tài chính quốc tế”.
Burgis đề nghị tiến hành đăng ký công cộng toàn cầu dành cho các công ty để chống lại việc các công ty sử dụng vỏ bọc trong các giao dịch bất hợp pháp. Burgis cho biết thêm “những bí mật tài chính hiện thời có thể không phải là lỗi của các nước châu Phi”.
Bản chất của chuỗi cung ứng toàn cầu có nghĩa là đồng lõa với những tội ác xung quanh việc khai thác nguồn tài nguyên, được kéo dài từ những nhà độc tài châu Phi đến những người mua điện thoại ở châu Âu.
Ở mọi cấp độ, ảo tưởng là một rào cản lớn cần phải gỡ bỏ. Burgis nhớ lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật hàng đầu của chế độ độc tài Angola, người đã tranh luận nhiệt tình rằng ông đã bảo vệ người dân của mình khỏi sự lạm dụng tồi tệ hơn.
“Đó là bản chất con người. Chẳng ai nghĩ rằng mình là người xấu cả”, Burgis cho hay.
Như Ngọc (CNN)