CIA từng phải chi hơn 2 triệu đô la để huấn luyện một người trong phe đối lập Syria.
2 triệu USD để huấn luyện một người
Tổng thống Donald Trump đã quyết định chấm dứt chương trình bí mật của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhằm vũ trang và huấn luyện cho các lực lượng đối lập trong cuộc chiến chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Ông Trump đưa ra quyết định sau khi có cuộc tham khảo ý kiến với Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và Giám đốc CIA Mike Pompeo tại phòng Bầu dục. Đây là chương trình mà CIA khởi động năm 2013, được cựu Tổng thống Barack Obama chấp thuận, nhằm gây sức ép buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
Lực lượng Mỹ huấn luyện phiến quân Syria. Ảnh: AMN
Việc Tổng thống Trump quyết định hủy bỏ chương trình viện trợ quân sự của CIA cho phe đối lập Syria không mấy ngạc nhiên. Nhiều nhân viên của CIA trước đây đã nhiều lần thừa nhận sự kém hiệu quả nếu không muốn nói là thất bại của chương trình này.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, năm 2015 Lầu Năm Góc đã chi 384 triệu đô la và kết quả chỉ huấn luyện được 180 phần tử thuộc phe đối lập Syria. Điều này có nghĩa là CIA phải chi hơn 2 triệu đô la để huấn luyện một người.
Mặc dù vậy, phần lớn những binh sỹ được đào tạo hoặc là bị giết trong các trận đánh nhau với quân chính phủ, hoặc đào ngũ, hoặc gia nhập hàng ngũ các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Mục đích chính của chương trình này là nhằm lật đổ Tổng thống Al-Assad, nhưng đã không thành công. Hơn 4 năm trôi qua, chương trình này hầu như không đạt được kết quả nào đáng kể, đặc biệt kể từ khi các lực lượng vũ trang của Nga can thiệp trực tiếp tháng 9/2015 và đứng về phía chính quyền của ông Assad.
Trên chiến trường, với sự hỗ trợ của Nga, quân đội Syria đã giành được nhiều thắng lợi trong các chiến dịch quân sự giải phóng Aleppo, Hama, Deir Ezzor và gần đây đã làm chủ được khu vực ngoại ô phía đông thủ đô Damascus.
Đàm phán Astana về Syria tháng 1/2017. Ảnh: AP
Trên bình diện chính trị, 5 phiên đàm phán tại Astana (dẫn đến các thỏa thuận ngừng bắn do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian giữa chính phủ và các tổ chức đối lập Syria không có sự tham gia của Mỹ) đã đặt Mỹ trước khả năng vai trò bị hạ thấp trong giải pháp và giành được phần nhỏ trong "chiếc bánh" Syria.
Khi đưa ra chương trình giúp đỡ phe đối lập Syria, ông Obama đã đặt cược vào các lực lượng "đối lập ôn hoà" mang tính thế tục mà đại diện là Quân đội Syria tự do (FSA). Tuy nhiên các lực lượng này hầu như chỉ hoạt động tích cực trên các diễn đàn chính trị mà không có vai trò gì đáng kể trên mặt trận quân sự như đối đầu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda.
Vì vậy, việc đổ hàng triệu đô la cho các lực lượng này không đem lại kết quả nào đáng kể trên chiến trường. Trong khi đó, các lực lượng dân chủ Syria, chủ yếu là các lực lượng người Kurd SDF lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố IS, al-Qaeda và hiện nay đang đi tiên phong trong chiến dịch giải phóng Raqqa.
Quyết định của Tổng thống Trump (ngừng chương trình của ông Obama) là Chính sách thực tế hơn. Nó cũng thực hiện cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Khi Moscow, Washington, Paris nhìn về một phía
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar với Ả rập Xê út, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập - những nước tài trợ chủ yếu cho các phong trào đối lập Syria - đã đẩy phe đối lập vào tình thế khó khăn.
Các tổ chức đối lập thuộc "diễn đàn Moscow", "diễn đàn Riyadh" và "diễn đàn Cairo" đã buộc phải thay đổi thái độ, đồng ý thành lập một phái đoàn chung đến hòa đàm Geneva.
Pháp trước đây đã từng là một trong những nước đi đầu trong việc đòi al-Assad phải ra đi thì nay nước Pháp của Emmanuel Macron lại là nước đi đầu ở châu Âu cho rằng việc thay đổi chế độ Syria không còn là ưu tiên của Paris.
Nhiều nguồn tin gần gũi với điện Élysée tiết lộ rằng sắp tới đây Pháp có thể sẽ mở lại Đại sứ quán của mình tại Damascus.
Loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad không còn là mục tiêu hàng đầu của Pháp, Mỹ. Ảnh: EPA
Ông Trump gần đây cũng tuyên bố ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay là chống khủng bố IS chứ không phải lật đổ chính quyền Assad. Như vậy, tuy còn nhiều bất đồng nhưng sự đồng thuận của tam giác Moscow-Washington-Paris về số phận của Assad, một trong những vấn đề cốt lõi của giải pháp, sẽ tác động mạnh mẽ lên các cuộc đàm phán Geneva-8 sắp tới.
Việc hủy bỏ chương trình giúp đỡ các phong trào đối lập Syria cho thấy Tổng thống Trump mong muốn cùng với Nga tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột Syria.
Quyết định này được đưa ra sau các cuộc thương lượng Nga-Mỹ kết thúc và đạt được thỏa thuận thiết lập khu vực ngừng bắn ở Đông-Nam Syria giữa chính phủ và phe đối lập. Thỏa thuận này được công bố trong cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/7/2017 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hamburg, Đức.
Đây là thỏa thuận đầu tiên hết sức quan trọng giữa hai cường quốc kể từ thời Tổng thống George W. Bush.
Tiếp theo thỏa thuận này, ngày 22/7, tại Cairo chính phủ và phe đối lập Syria cũng đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Đông Ghouta thuộc ngoại ô Thủ đô Damascus, một trong những thành trì cuối cùng của các lực lượng nổi dậy chống chính phủ.
Con đường còn nhiều chông gai, các đối thủ của ông Trump trong chính quyền Mỹ đang lợi dụng quyết định này để chống lại ông, phê phán ông bỏ rơi đồng minh.
Cuộc xung đột Syria kéo dài hơn 6 năm, một trong những cuộc xung đột phức tạp nhất hiện nay trên thế giới không dễ gì giải quyết một sớm một chiều, nhưng đang xuất hiện những chuyển biến tích cực theo chiều hướng đi vào một giải pháp chính trị. Thỏa thuận Trump-Putin tại Hamburg có thể là tia hy vọng đem lại hòa bình cho Syria.