Các nhà nghiên cứu sử học đã phải mất rất nhiều công sức để lý giải được vì sao chỉ với một đội quân khoảng một triệu người, mà quân Mông Cổ có thể chinh phục một vùng đất rộng lớn trải dài khắp từ châu Á sang châu Âu.
"Vũ khí" ưa thích của Thiết Mộc Chân
Trong cuốn "Genghis Khan and the Marking of The Mordern World", xuất bản lần đầu năm 2004 Giáo sư người Mỹ Jack Weatherford đã tổng hợp được rất nhiều chiến thuật độc đáo của thủ lĩnh Thiết Mộc Chân, người sau này lên ngôi Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ với đế hiệu Thành Cát Tư Hãn.
Trong đó, ông nhận thấy, Thành Cát Tư Hãn là một bậc thầy về chiến thuật sử dụng tin đồn. Jack Weatherford viết: "Tuyên truyền và điều khiển dư luận là vũ khí ưa thích của Thiết Mộc Chân".
Điển hình như từ trước khi lên ngôi Hãn, khi chuẩn bị tấn công bộ tộc Nãi Man, quân của Thiết Mộc Chân đã tung nhiều tin đồn bôi xấu đối phương, đồng thời củng cố sự tự tin của mình.
Dịch cuốn "Bí sử của người Mông Cổ" Jack Weatherford nhận thấy người Mông Cổ được mô tả một cách chi tiết và đầy tự hào như sau: "Mũi của họ được làm bằng lưỡi đục và lưỡi làm từ mũi dùi. Họ có thể ăn sương và cưỡi gió mà sống".
Họ so sánh Thiết Mộc Chân với một con chim cắt đói mồi, nhưng cũng nói rằng "cả thân mình ông làm từ đồng và sắt, được xếp chắc tới nỗi không lưỡi dùi nào xuyên qua được".
Quân Mông cổ. Nguồn: Realm of History
Khi đánh bộ tộc Nữ Chân, Thành Cát Tư Hãn đã liên tục tung tin nhằm làm quân đối phương lo lắng và sợ hãi. Có một câu chuyện đáng ngờ được kể lại rằng quân Mông Cổ hứa sẽ rút quân vây thành nếu lính giữ thành Nữ Chân cống nạp một số lượng lớn mèo và chim. Những người dân chết đói vội vã thu thập những con vật này và tặng cho quân Mông Cổ.
Khi nhận được, quân Mông Cổ gắn đuốc và dải băng cháy vào đuôi của chúng và thả cho chúng chạy. Những con thú sợ hãi lao về phía thành và đốt trụi cả thành phố. Câu chuyện có ý nghĩa tuyên truyền rất hiệu quả.
Tranh vẽ Thành Cát Tư Hãn. Nguồn: AsukaAsuka111
Bộ máy tuyên truyền của Thành Cát Tư Hãn đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh ông ta là người có thiên mệnh, và ông ta là một chiến binh thảo nguyên thực thụ, giống với tổ tiên của những người Nữ Chân trước đây, chứ không giống vị Hoàng Hãn bất lực và sa đọa đã bỏ mặc họ cho số phận khi quân Mông Cổ kéo tới.
Kết quả là toàn bộ binh lính, bao gồm cả các tướng lĩnh với đầy đủ vũ khí, đã bỏ sang hàng ngũ quân Mông Cổ.
Bộ máy tuyên truyền chuyên thổi phồng, lừa gạt để gây ra nỗi sợ hãi
Để làm quân địch hoảng sợ, Thiết Mộc Chân đe dọa họ bằng hình ảnh. Vào ban đêm, Thiết Mộc Chân sai mỗi người lính đốt năm đám lửa trại trên các ngọn đồi nơi cắm trại. Hình ảnh này khiến quân địch nhìn quân của ông thấy như quân số lớn gấp nhiều lần.
Trước khi tấn công một thành phố, quân Mông Cổ tấn công các làng mạc xung quanh, bắt những người dân địa phương khỏe mạnh làm lao dịch phục vụ họ, đồng thời đuổi những người dân còn lại vào thành phố.
Những người tị nạn này gây áp lực khiến thành phố nhanh chóng hao hụt lương thực, gây ra nạn dịch, đồng thời gieo rắc tâm lý hoang mang cho người dân trong thành.
Hình minh hoạ
Những tin đồn về sự thiện chiến, tàn bạo của quân xâm lược làm nản lòng binh lính phòng thủ và gây nỗi sợ hãi với nhân dân. Với áp lực như vậy kéo dài, cùng với những đợt tấn công được tổ chức rất bài bản, các thành phố nối nhau thất thủ, rồi chịu cảnh tàn sát, nếu không chịu đầu hàng.
Quân Mông Cổ cũng đe dọa đối phương bằng âm thanh, với cách trong đêm phi ngựa tiến đến sát thành bị vây từ mọi hướng, tạo âm thanh hỗn loạn "như thể bầu trời đổ sập", sau đó đột ngột biến mất. Cách làm này khiến những kẻ phòng thủ hoang mang đến tột độ.
Trong cuộc chinh phục vùng Trung Á, Thành Cát Tư Hãn đã tổ chức một bộ máy tuyên truyền ảo, liên tục thổi phồng số người chết trong chiến trận ở các thành phố họ đã đi qua và gây ra nỗi khiếp sợ đối với mọi nơi mà tin tức được lan tới.
Sau khi chiếm được một tòa thành, quân Mông Cổ lại gửi các đoàn sứ giả tới các thành phố khác để báo cho họ những điều kinh khủng chưa từng thấy mà chiến binh Mông Cổ gây ra với các khả năng gần như phi phàm của họ.
Theo Jack Weatherford, Thành Cát Tư Hãn không quan tâm tới việc ghi lại các chiến tích hay thơ ca tán tụng tài năng của mình; thay vào đó, ông cho phép người dân tự do lan truyền các câu chuyện tệ hại và phi lý nhất về ông và quân Mông Cổ.
Giáo sư nhận định: "Thành Cát Tư Hãn đã nhận ra rằng nỗi sợ hãi được gieo rắc dễ dàng nhất không phải nhờ vào các chiến binh, mà bằng ngòi bút của các học giả và người ghi chép".
Và với những câu chuyện càng tệ hại và phi lý, thì nỗi khiếp sợ của đối phương càng lên cao, khiến con đường chinh phục càng dễ dàng và cuối cùng, vó ngựa Mông Cổ đã kéo dài từ Thái Bình Dương phía Trung Hoa đến tận vùng đất của các Sultan tại Biển Đen ở phía Tây.
Lê Tiên Long
Theo Helino/Trí thức trẻ