Dù Hiến pháp Trung Quốc đã xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch, song ông Tập Cận Bình có thể sẽ không nắm quyền trọn đời vì những lý do dưới đây.
Quốc hội Trung Quốc cuối tuần trước đã thông qua hiến pháp sửa đổi, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước, khiến nhiều nghi ngại cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền lực tuyệt đối trọn đời.
Tuy nhiên, theo SCMP dẫn lời Deng Yuwen, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Charhar, cho rằng với việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, ông Tập muốn tập trung hóa quyền lực cao độ để có thể huy động chính phủ và người dân cùng hợp sức để hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" do ông đề xướng. Do đó, ông Tập sẽ nắm giữ quyền lực cao nhất cho đến khi hoàn thành được tham vọng này chứ không phải cầm quyền trọn đời.
Chuyên gia Deng chỉ ra ba lý do khiến ông Tập khó có thể trở thành chủ tịch suốt đời của Trung Quốc.
Thứ nhất, để có thể giành được sự ủng hộ cho việc xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch đã được duy trì suốt 36 năm qua, ông Tập chắc chắn đã phải đảm bảo với các lãnh đạo cấp cao khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) rằng ông sẽ không "tham quyền cố vị" và không phá bỏ những nguyên tắc căn bản trong việc chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Lý do thứ hai khiến ông Tập khó có thể nắm giữ quyền lực suốt đời là phản ứng quyết liệt từ dư luận trong nước và thế giới. Những bình luận trên mạng xã hội ngay sau khi Trung Quốc thông báo về việc thay đổi hiến cho thấy nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và tự do không hoàn toàn nhất trí với động thái này. Điều này có thể cản trở tham vọng thống nhất lòng dân để đưa Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới mà ông từng vạch ra.
Sự kiện quốc hội Trung Quốc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch còn gây ra những nghi ngại trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây, có thể ảnh hưởng xấu đến nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Lý do thứ ba, theo ông Deng, khiến Chủ tịch Tập không muốn và khó có thể nắm quyền trọn đời đến từ yếu tố lịch sử. Ông Tập là người đam mê lịch sử và muốn thực hiện sứ mệnh lịch sử là khôi phục vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, ông Tập biết rất rõ hậu quả của việc "tham quyền cố vị" từ các bài học trong quá khứ, biết cần phải biết dừng lại và chuyển giao quyền lực đúng lúc.
Từ những lý do này, Deng tin rằng ông Tập sẽ nắm quyền thêm 3-4 nhiệm kỳ nữa, cho đến năm 2032 hoặc 2037, để hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Giấc mơ Trung Hoa. Sau đó, quá trình chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm nhiều khả năng sẽ được bắt đầu.
Lê Huyền (tổng hợp)