Tuy chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu thành công sẽ có thể đe dọa đến lãnh thổ Trung Quốc, nhưng ông Tập có thể không có quá nhiều sự lựa chọn để đối phó.
Tờ New York Times đưa tin, tuy được coi là người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc, có quyền ra quyết sách hàng ngày trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế chính trị tới quân sự đối ngoại, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang rơi vào bế tắc trong vấn đề Triều Tiên.
Mới đây, hôm 4/7 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Vụ thử tên lửa lần này đang dấy lên nghi vấn liệu có phải Trung Quốc đã vạch ra "lằn ranh đỏ" với đồng minh Triều Tiên, và việc cắt đứt ngoại giao quân sự có phải "giọt nước tràn ly" khiến Tập Cận Bình buộc phải cứng rắn với Triều Tiên hay không.
Triều Tiên hôm 4/7 vừa qua được cho là đã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM. |
Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc tập Cận Bình biết tin Bình Nhưỡng phóng tên lửa liên lục địa ICBM khi đang hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow, Nga.
Ngay sau khi biết tin, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về sự việc. Tuyên bố chung kêu gọi các nước có liên quan tổ chức các cuộc đàm phán nhằm khiến Triều Tiên tạm dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình để đổi lấy những hạn chế trong động thái quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.
Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, ông Ngô Nhật Cường nhận định, trong thời gian tới, ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ không đưa ra thêm bất cứ quyết sách lớn nào với Triều Tiên.
Tuy không thực sự coi ICBM của Triều Tiên là một mối đe dọa, nhưng Trung Quốc vô cùng "e dè" những biện pháp mà Washington có thể sử dụng để đối phó với tình hình căng thẳng tại bán đảo, ví dụ như tổ hợp phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối THAAD với hệ thống radar cực mạnh.
Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối THAAD. |
Cũng theo ông Ngô, điều khiến ông Tập đau đầu hơn vụ phóng ICBM chính là việc Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 bất cứ lúc nào. Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên nằm gần biên giới Trung Quốc đến mức, người dân tại đây vô cùng lo lắng về nguy cơ khiến họ bị nhiễm xạ.
Trương Phong, chyên gia về khoa học chính trị thuộc Đại học Quốc gia Australia nhấn mạnh, "với Bắc Kinh, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mới chính là mối đe dọa đối với Trung Quốc". Theo ông này, "ICBM của Triều Tiên chủ yếu là nhằm đe dọa Mỹ, nhưng việc thử hạt nhân tại biên giới là mối đe dọa trực tiếp đến chiến lược và môi trường đối với Trung Quốc".
Ông Ngô cũng nhận định, sức ép mà vụ phóng tên lửa đối với Trung Quốc chắc chắn không lớn như của vụ thử hạt nhân.
Giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc, ông Thành Hiểu Hà nhận định, "dù Triều Tiên có làm gì, thì ông Tập Cận Bình cũng khó có thể vạch ra 'lằn ranh đỏ' với Bình Nhưỡng, cả chính thức lẫn không chính thức".
Ông Thành phân tích, "ICBM không phải là lằn ranh đỏ của Trung Quốc, ngay cả Mỹ cũng không thể vạch ra một giới hạn rõ ràng như vậy". Theo ông Thành, "Bắc Kinh và Washington đều phải tự động có hành động đáp trả", chẳng hạn như việc Trung Quốc cắt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia, Trung Quốc không thể gây sức ép quá lớn đối với Triều Tiên, vì việc ngừng cung cấp dầu hay cắt giao thương có thể đẩy Bình Nhưỡng vào tình trạng bất ổn, khiến người dân nước này ồ ạt tràn qua biên giới.
Thời Ân Hoằng, chuyên gia phân tích Trung Quốc, người từng tham vấn về đối ngoại cho chính phủ ông Tập Cận Bình cho rằng, nước này không còn nhiều lá bài để tung ra với Triều Tiên cũng như không có nhiều lựa chọn ngoài "sự do dự chiến lược".
Ông Thời Ân Hoằng. |
Theo ông Thời, "với tư cách là một chiến lược gia, Tập Cận Bình đang ở trong tình trạng không mấy dễ chịu là sử dụng hết các biện pháp có thể với Kim Jong-un, trong khi không hề tự tin rằng các biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả".
Nghiêm Thu (Hoàn cầu)