Tin mới

Thảm kịch đen tối nhất lịch sử NASA: Cả phi hành đoàn nổ tung trước mắt hàng triệu dân Mỹ

Thứ tư, 13/06/2018, 08:01 (GMT+7)

"Trong lịch sử, chúng ta chưa bao giờ phải trải qua thảm kịch nào đau đớn thế này. Tôi xin chia buồn với gia đình, người thân của 7 phi hành gia tài năng..." - Ronald Reagan.

"Trong lịch sử, chúng ta chưa bao giờ phải trải qua thảm kịch nào đau đớn thế này. Tôi xin chia buồn với gia đình, người thân của 7 phi hành gia tài năng..." - Ronald Reagan.

Thảm kịch đen tối nhất lịch sử NASA: Cả phi hành đoàn nổ tung trước mắt hàng triệu dân Mỹ - Ảnh 1.

Tất cả kết thúc trong một buổi sáng lạnh lẽo cuối tháng Một năm 1986... Bảy phi hành gia tử nạn trong sự chứng kiến ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè và hàng triệu người xem truyền hình trực tiếp ở Mỹ khi tàu con thoi đưa họ ra không gian phát nổ chỉ sau 73 giây rời khỏi bệ phóng.

Ngày 28/1/1986 mãi trở thành ký ức đau thương và đầy ám ảnh của những người còn sống và đang dõi theo sứ mệnh lịch sử của phi hành đoàn trên tàu con thoi Challenger.

Hai triệu lít nhiên liệu bị đốt cháy trong vài giây tạo thành đám mây khí độc khổng lồ trên bầu trời mãi là hình ảnh gợi nhắc thảm họa không gian thảm khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trước khi ghi danh mình là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa người lên Mặt Trăng trên phi thuyền Apollo (vào năm 1969), NASA đã có những nghiên cứu sơ khởi về thiết kế của tàu con thoi (còn gọi là hệ thống chuyên chở vào không gian - STS).

Tháng 1/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức tuyên bố NASA sẽ là cơ quan tiến hành phát triển hệ thống tàu con thoi có khả năng tái sử dụng. Tiêu tốn hàng tỷ USD cùng bao tâm huyết của các nhà khoa học, cuối cùng, ngành hành không Mỹ cũng đến ngày "hái quả ngọt": Ngày 12/4/1981, đúng 20 năm sau khi Liên Xô đưa người bay vào vũ trụ đầu tiên trong lịch sử, tàu con thoi Columbia hoàn thành sứ mệnh bay thử thành công đầu tiên trên thế giới.

Trong vòng 30 năm (1981 - 2011), NASA và người Mỹ đã chế tạo và sử dụng rất nhiều thế hệ tàu con thoi có người lái, bao gồm, Columbia, Challenger, Discovery, Atlantis, Endeavour... Trong số đó, tàu con thoi Challenger gặp nạn lần đầu tiên trong chuỗi chương trình không gian đầy tự hào của Mỹ vào năm 1986 trở thành thảm họa cay đắng và khiến NASA thay đổi mãi mãi về sau...______

Vì sao Challenger được xem là thảm họa hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ? Đó là bởi, đây là thảm họa đầu tiên trong lịch sử phát triển của NASA và nước Mỹ; và cũng bởi lần đầu tiên trong chương trình không gian đưa người vào vũ trụ của NASA có sự góp mặt của một phi hành gia dân sự - Nữ phi hành gia Christa McAuliffe.

Christa McAuliffe là một giáo viên trung học 37 tuổi đến từ thành phố Concord, bang New Hampshire. Năm 1985, một năm trước khi thảm họa đau lòng xảy ra, Christa McAuliffe vượt qua 11.000 ứng viên trong cuộc thi Giáo viên đầu tiên trong vũ trụ của NASA (NASA’s Teacher in Space Program) và được cơ quan này chọn là một trong 7 phi hành gia lên đường thực hiện sứ mệnh không gian trên tàu con thoi Challenger.

Sau nhiều tháng huấn luyện, Christa McAuliffe hội đủ mọi điều kiện bay và trở thành phi hành gia dân sự đầu tiên của Mỹ bay vào vũ trụ (Những phi hành gia khác từng thực hiện các sứ mệnh không gian của Mỹ phần lớn là những nhà khoa học vũ trụ).

Phi hành đoàn 7 người, bao gồm:

Thảm kịch đen tối nhất lịch sử NASA: Cả phi hành đoàn nổ tung trước mắt hàng triệu dân Mỹ - Ảnh 2.

Phi hành đoàn trên tàu con thoi Challenger là nhóm phi hành gia đa dạng nhất mà NASA từng thực hiện.

Giới phân tích đánh giá, xét riêng cá nhân Christa McAuliffe, cô chính là biểu tượng của sự lạc quan, tiến bộ trong bối cảnh những căng thẳng của Chiến tranh Lạnh (giữa Mỹ và Liên Xô) chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tựu trung lại, phi hành đoàn năm 1986 hội tụ những nhân tài của nước Mỹ, họ chính là niềm tự hào, là đại diện của sức mạnh không gian Mỹ. Đội phi hành gia 7 người lên đường làm nhiệm vụ trên tàu con thoi Challenger ngày 28/1/1986 mang trong mình khí thế của quốc gia.

Họ đã sẵn sàng!... Tất cả đã sẵn sàng!

Thảm kịch đen tối nhất lịch sử NASA: Cả phi hành đoàn nổ tung trước mắt hàng triệu dân Mỹ - Ảnh 3.

Trung tâm vũ trụ Kennedy, đảo Merritt, bang Florida, Mỹ...

Những ngày cuối tháng Một, thời tiết biến chuyển xấu cộng với những vấn đề về kỹ thuật khiến cho kế hoạch phóng tàu con thoi Challenger bị hoãn 5 lần so với dự kiến.

Sáng ngày 28/1/1986 là ngày NASA nhấn định thời điểm Challenger lên đường thực hiện sứ mệnh của mình. Hôm ấy trời lạnh bất thường. Nhiệt độ hạ xuống mức đóng băng.

Đội kỹ sư hàng không cảnh báo cấp trên vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc vòng đệm cao su chịu nhiệt có thể gặp rắc rối khi nhiệt độ xuống thấp bất thường như vậy. Tuy nhiên, những cảnh báo này đã bị phớt lờ, và vào lúc 11:38 sáng ngày 28/1/1986, tàu con thoi Challenger rời khỏi bệ phóng trước sự chứng kiến đầy tự hào và kiêu hãnh từ người thân của phi hành đoàn, từ hàng nghìn người xem trực tiếp cùng hàng triệu dân Mỹ xem tường thuật qua truyền hình.

Đoàn phi hành gia 7 người khấp khởi lên đường thực hiện sứ mệnh to lớn cho người Mỹ. Phi hành gia Christa McAuliffe nghe tim mình dâng lên niềm vui khôn tả khi chỉ một thời gian ngắn thôi cô sẽ ở ngoài vũ trụ và lần đầu tiên trong lịch sử truyền tải những kiến thức của mình cho các em học sinh ở Trái Đất.

Một phút trôi qua... Challenger khi đó đang di chuyển với vận tốc hơn 2.370 km/giờ.

Những dự định tốt đẹp đó không bao giờ có cơ hội được phi hành đoàn tàu Challenger thực hiện. Thêm 13 giây ngắn ngủi định mệnh nữa, Challenger nổ tung tựa như quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời.

73 giây sau khi rời khỏi bệ phóng...

Con tàu Challenger mang theo niềm kiêu hãnh của người Mỹ, mang theo cả những ấp ủ to lớn của 7 phi hành gia tài giỏi, nơi gửi gắm những ước mơ của những người ở nhà bỗng nhiên nổ tung và lao vô định xuống Đại Tây Dương sâu thẳm.

Thảm kịch không thể ngờ này xảy ra trước hàng triệu đôi mắt, mà chỉ một phút trước thôi còn đong đầy hy vọng, giờ đã biến thành hố sâu của sự kinh hãi, đau đớn và ám ảnh khôn nguôi.

Thảm kịch đen tối nhất lịch sử NASA: Cả phi hành đoàn nổ tung trước mắt hàng triệu dân Mỹ - Ảnh 4.

Tàu con thoi Challenger nổ tung chỉ sau 73 giây rời khỏi bệ phóng. Nguồn: AP/Bruce Weaver

Người thân của phi hành đoàn gục ngã! Hàng triệu đồng bào của 7 tài năng vũ trụ gục ngã! Cả NASA và nước Mỹ cũng choáng váng không đứng vững trên đôi chân sau những gì đã chứng kiến.

Challenger nổ tung! Lập tức giết chết tất cả phi hành đoàn. Hàng nghìn mảnh vụn còn nóng lao nhanh xuống đại dương. Kết thúc luôn cả giấc mơ mới chớm của những anh hùng trong lòng dân Mỹ.

Vài giờ sau bi kịch ngày 28/1/1986...

Tổng thống Ronald Reagan chia buồn với người thân và toàn nước Mỹ về vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Ông nói: "Trong lịch sử, chúng ta chưa bao giờ mất đi tài năng vũ trụ nào. Chúng ta cũng chưa bao giờ phải trải qua thảm kịch nào đau đớn như thế này. Tôi xin chia buồn với gia đình, người thân của 7 phi hành gia tài năng!

Đồng bào của tôi, đau thương không đồng nghĩa với việc chúng ta dừng lại và thất bại. Nước Mỹ sẽ tiếp tục triển khai những chương trình không gian khác. Sẽ còn nhiều chuyến đi mang theo những tài năng vũ trụ, những công dân, những giáo viên... khác nữa vào không gian. Hy vọng của chúng ta; Hành trình của chúng ta sẽ còn tiếp mãi về sau!"

Một ngày sau bi kịch ngày 28/1/1986...

Hơn 4.000 người tập trung tại Trung tâm vũ trụ Kennedy để tưởng niệm 7 người hùng trong lòng họ.

Bốn ngày sau bi kịch ngày 28/1/1986...

Hơn 5.000 người dân thắp nến tại bờ biển đảo Merritt để cầu nguyện cho phi hành đoàn đã tử nạn vào ngày Đông giá rét.

Vài tuần sau bi kịch ngày 28/1/1986...

Đội cứu hộ mới có thể thu thập hết những gì còn sót lại sau tấn bi kịch không gian thảm khốc này. Tất cả chỉ còn là những mảnh thân tàu cháy xém và phần thi thể còn lại của 7 phi hành gia.

Nhiều tháng sau bi kịch ngày 28/1/1986...

Người dân cả nước Mỹ vẫn chìm trong tang thương. Họ tiếc thương cho 7 nhân tài vũ trụ, họ khóc vì những gì phải chứng kiến quá đỗi đau lòng. Phi hành đoàn vĩnh viễn ra đi, chắc có lẽ khi môi họ vẫn đang nở nụ cười...

Thảm kịch đen tối nhất lịch sử NASA: Cả phi hành đoàn nổ tung trước mắt hàng triệu dân Mỹ - Ảnh 5.

Nước Mỹ mãi không bao giờ quên những người hùng của phi hành đoàn 7 người trên tàu con thoi Challenger. Nguồn: NASA

Vụ nổ cay đắng đến nỗi, chỉ một vài phần thi thể là còn được nhận dạng và được người thân mang về mai táng. Những phần thi thể cháy không thể nhận dạng còn lại được chôn cất tại nghĩa trang Arlington ngày 20/5/1986.

Thảm kịch đen tối nhất lịch sử NASA: Cả phi hành đoàn nổ tung trước mắt hàng triệu dân Mỹ - Ảnh 6.

11:40 ngày 28/1/1986 - thời điểm Challenger nổ tung - mãi trở thành thời khắc đen tối trong lịch sử của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Nước mắt phi hành gia: Nỗi đau của công dân Liên Xô cuối cùng nhìn cảnh đất nước tan rã

Bởi, NASA chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tấn bi kịch tháng Một năm 1986. Chưa kể đến sự phớt lờ từ cảnh báo của đội kỹ sư, nguyên nhân chính khiến tàu nổ tung đến từ sự cố kỹ thuật của con tàu.

Báo cáo điều tra về sau cho thấy, bộ phận giữ khí trong động cơ của tên lửa đẩy phụ của Challenger không hoạt động làm cho khí nóng áp suất cao thoát ra ngoài, thổi thẳng vào thùng nhiên liệu hàng triệu lít. Vài chục giây sau, khí nóng xuyên thủng vỏ thùng nhiên liệu, tiếp tục làm nóng hỗn hợp hydro và oxy lỏng, kết quả là gây nên vụ nổ kinh hoàng của khoảng 2 triệu lít nhiên liệu, biến Challenger thành quả cầu lửa khổng lồ trên không.

Sau thảm họa tàu con thoi Challenger, NASA bị cấm không cho triển khai các chương trình đưa người vào không gian gần 3 năm. Một phần để cơ quan này thiết kế lại những kỹ thuật có khả năng gặp sự cố của tàu con thoi. Một phần để lắng dịu những đau thương mà người dân Mỹ dành nhiều cho phi hành đoàn tàu Challenger.

Nhiều chương trình của NASA đã bị thay đổi sau thảm kịch ngày 28/1/1986: Kế hoạch đưa phi hành gia dân sự vào không gian đã bị xếp lại sau 21 năm (cho đến khi nữ phi hành gia dân sự Barbara Morgan thực hiện sứ mệnh mới trên tàu con thoi Endeavour năm 2007); Tàu con thoi không còn đảm nhận trọng trách phóng vệ tinh, thay vào đó, tên lửa tái sử dụng làm nhiệm vụ này;

Ngoài ra, các phi hành gia không còn phải chịu trách nhiệm sửa chữa vệ tinh như trước kia nữa (điều này nhằm giảm tải lượng kiến thức chuyên môn họ phải nắm khi thực hiện sứ mệnh vũ trụ, để tập trung cho các kỹ năng thoát hiểm đảm bảo an tối đa trong mọi tình huống).

Chưa hết, cho đến nay, tháng Một hàng năm, NASA đều phải dành riêng một ngày tưởng niệm, để nhớ về 7 phi hành gia tàu con thoi Challenger thiệt mạng.

10 năm sau thảm họa Challenger, hai mảnh lớn từ tàu con thoi dạt vào bờ biển Florida. Các mảnh vụn còn lại hiện được lưu trữ tại thành phố Cape Canaveral, bang Florida.

Bài viết sử dụng nguồn: Space, Popular Mechanics, History

Trang Ly

Theo Helino/ Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news