Tin mới

Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên

Thứ ba, 09/02/2016, 07:54 (GMT+7)

Triều Tiên đã tự mô tả mình là một "quốc gia vũ khí hạt nhân, ở cả tên gọi lẫn thực tế". Các chuyên gia cảnh báo rằng tới năm 2020, Triều Tiên sẽ có từ 20-100 vũ khí có thể tấn công các nước láng giềng, thậm chí là Mỹ.

Triều Tiên đã tự mô tả mình là một "quốc gia vũ khí hạt nhân, ở cả tên gọi lẫn thực tế". Các chuyên gia cảnh báo rằng tới năm 2020, Triều Tiên sẽ có từ 20-100 vũ khí có thể tấn công các nước láng giềng, thậm chí là Mỹ.

Ngày 12/12/1985, Triều Tiên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Bình Nhưỡng đã phê chuẩn hiệp ước này nhưng lại không làm theo. Triều Tiên hoàn toàn rút khỏi hiệp ước này vào năm 2003.

Năm 1993, những cảnh báo sớm về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cáo buộc Triều Tiên vi phạm NPT khiến Bình Nhưỡng đe dọa sẽ rút khỏi nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận cho phép các thanh sát viên tới kiểm tra.

21/10/1994, Mỹ và Triều Tiên ký thỏa thuận. Triều Tiên đã cam kết ngừng và cuối cùng tháo dỡ chương trình vũ khí hạt nhân để đối lấy viện trợ quốc tế xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân.

Quân đội Hàn Quốc tại biên giới Hàn - Triều. Ảnh: Reuters

17/11/1998, đàm phán Bình Nhưỡng. Mỹ và Triều Tiên tổ chức đàm phán cấp cao tại Bình Nhưỡng, trong đó Mỹ yêu cầu được thanh tra một cơ sở dưới lòng đất được cho là được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân.

27/2/1999 - 16/3/1999, việc thanh kiểm tra diễn ra. Trong vòng đàm phán thứ 4, Triều Tiên cho phép Mỹ tiếp cận cơ sở trên để đổi lấy viện trợ của Mỹ. Các thanh sát viên Mỹ đã không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy hoạt động hạt nhân diễn ra khi kiểm tra cơ sở đó vào tháng 5.

13/9/1999 - 17/9/1999, hoạt động thử nghiệm dừng, các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Triều Tiên đồng ý dừng thử tên lửa tầm xa trong khi các cuộc đàm phán với Mỹ vẫn tiếp tục. Tổng thống Mỹ khi ấy là Bill Clinton đã đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Triều Tiên.

6/2001, Bình Nhưỡng đe dọa khôi phục lại các vụ thử tên lửa. Triều Tiên cảnh báo sẽ khôi phục lại hoạt động này nếu Mỹ không bình thường hóa quan hệ với họ.

29/1/2002, Trục ma quỷ (các nước hỗ trợ khủng bố). Tổng thống Mỹ George W.Bush đã liệt Triều Tiên, Iran và Iraq vào "trục ma quỷ" trong bài phát biểu liên bang của mình. "Bằng cách tìm kiếm những vũ khí hủy diệt hàng loạt, các chế độ này đã đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng và ngày càng lớn hơn", ông nói.

16/10/2002, chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Chính quyền Bush lần đầu tiên tiết lộ Triều Tiên thừa nhận đang vận hành một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, vi phạm thỏa thuận năm 1994. Không rõ liệu Bình Nhưỡng đã hoàn thành loại vũ khí hạt nhân nào hay chưa.

22/12/2002, các thanh sát viên bị trục xuất. Triều Tiên đã loại bỏ các trang thiết bị giám sát của IAEA ra khỏi các cơ sở hạt nhân của mình và trục xuất các thanh sát viên.

10/1/2003-26/2/2003, chính thức rút khỏi NPT. Triều Tiên chính thức rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và khôi phục lại các  cơ sở hạt nhân của mình.

23/4/2003-27/4/2003, Triều Tiên tuyên bố mình đã có một vũ khí hạt nhân. Tuyên bố này của Bình Nhưỡng đã thúc đẩy khủng hoảng đàm phán giữa Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

24/2/2004-28/2/2004, đàm phán 6 bên diễn ra lần đầu. Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đã họp nhau tại Bắc Kinh, Trung Quốc để đàm phán nhiều hơn. Hội nghị thượng đỉnh này không đạt được tiến bộ lớn nhưng đã có được thỏa thuận đàm phán nhiều hơn.

28/2/2004-8/2004, đàm phán tiếp tục. Sáu nước tiếp tục các cuộc đàm phán, cuối cùng, Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ, dỡ bỏ lệnh trừng phạt và được Mỹ đưa ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố. Mỹ muốn Triều Tiên ngừng toàn bộ các chương trình hạt nhân và cho phép thanh sát viên.

10/2/2005, Triều Tiên rời bỏ đàm phán. Bình Nhưỡng đã rời bỏ đàm phán 6 bên và nói rằng sẽ bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của mình. Triều Tiên đòi một hiệp ước không xâm lược song phương với Mỹ trước khi xem xét dỡ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Còn Mỹ lại đòi Bình Nhưỡng đầu tiên phải đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân vĩnh viễn, có thể xác minh trước khi được cung cấp bất cứ ưu đãi nào, cả viện trợ kinh tế lẫn thừa nhận về mặt ngoại giao.

13/9/2005-19/9/2005, đàm phán được nối lại. Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, cuối cùng đồng ý từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố thừa nhận "từ bỏ mọi vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện có".

20/9/2005, các quan chức Triều Tiên nói rằng nước họ sẽ bắt đầu tháo dỡ chương trình hạt nhân của mình chỉ khi Mỹ cung cấp cho họ một lò phản ứng nước nhẹ dùng trong nhà máy điện dân sự. "Nếu không có vật đảm bảo bảo này (lò phản ứng nước nhẹ) thì quan điểm của chúng tôi là đừng có mơ chúng tôi từ bỏ răn đe hạt nhân".

4/7/2006, thử tên lửa Taepodong-2. Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa Taepodong-2 cùng với 2 tên lửa tầm ngắn. Nhưng tên lửa tầm xa này dường như đã thất bại.

Tên lửa Taepodong-2 của Triều Tiên. Ảnh: 38north.org

15/7/2006, Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết yêu cầu Triều Tiên đình chỉ chương trình tên lửa của mình. Đại sứ Triều Tiên ngay lập tức từ chối nghị quyết này.

9/10/2006, thử hạt nhân lần đầu tiên. Triều Tiên nói mình đã thử thành công một vũ khí hạt nhân tại cơ sở ngầm ở Hwaderi, gần thành phố Kilju. Hàn Quốc cho biết đã phát hiện một trận động đất do con người tạo ra ở khu vực vụ thử và sau đó phân tích các mẫu không khí cũng tiết lộ  có chất phóng xạ, xác nhận tuyên bố của Bình Nhưỡng.

Kilju, nơi vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên diễn ra. Ảnh chụp màn hình

13/2/2007, quay trở lại bàn đàm phán. Triều Tiên đồng ý đóng cửa nhà máy hạt nhân để đối lấy gói viện trợ trị giá 400 triệu USD.

Đàm phán 6 bên diễn ra năm 2007. Ảnh: people.cn

25/6/2007-2/9/2007 Triều Tiên "tái khẳng định" cam kết giải trừ hạt nhân. Đặc phái viên Mỹ tại Triều Tiên Chris Hill cho biết Triều Tiên đã tái khẳng định cam kết giải trừ hạt nhân đạt được trong tháng 2 và sẽ cho phép các thanh sát viên IAEA trở lại nước này. Sau đó, ông cũng tuyên bố Bình Nhưỡng đã đồng ý công khai và vô hiệu hóa toàn bộ chương trình hạt nhân của mình vào cuối năm 2007.

30/9/2007, đàm phám 6 bên được nối lại. Tại cuộc đàm phán 6 bên diễn ra ở Bắc Kinh, Triều Tiên đã ký thỏa thuận bắt đầu vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của mình. Triều Tiên cũng đồng ý cho một nhóm chuyên gia kỹ thuật của Mỹ tham gia hoạt động vô hiệu hóa.

2/10/2007-4/10/2007, lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc gặp mặt. Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun trở thành vị lãnh đạo đầu tiên của nước này tới Vùng phi quân sự (khu vực chia tách Hàn Quốc và Triều Tiên) để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày cùng với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Ông Kim đã ký thỏa thuận cam kết phi quân sự hóa và thay thế thỏa thuận đình chiến hiện tại bằng một hiệp định hòa bình vĩnh viễn.

31/12/2007, Triều Tiên đã quá hạn để khai báo tất cả chương trình hạt nhân của mình, sau tuyên bố đó, họ đã sẵn sàng cung cấp đủ thông tin để đáp ứng yêu cầu đã được đưa ra trong đàm phán 6 bên.

8/5/2008-27/6/2008, Triều Tiên đã cung cấp hàng nghìn tài liệu về các hoạt  động hạt nhân, đặc biệt có liên quan tới việc sản xuất plutonium cho Mỹ, quan chức Sohn Kim nói. Trong một động thái mang tính biểu tượng, một tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân Yongbyon đã bị phá hủy.

1/2009, hầu hết kho dự trữ plutonium của Triều Tiên đã được "vũ khí hóa".

25/5/2009, tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai. Triều Tiên tuyên bố tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ngay ngay sau khi cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ báo cáo về một vụ động đất mạnh 4,7 độ richter tại nơi Triều Tiên tiến hành vụ thử đầu tiên. Nhà Trắng cho biết Triều Tiên cũng đã bắn thử một tên lửa tầm ngắn.

12/6/2009, Hội đồng Bảo an LHQ áp dụng nghị quyết 1874, lên án vụ thử hạt nhân ngày 25/5 của Triều Tiên. Cơ quan này cũng áp đặt những lệnh trừng phạt mới, cấm mua bán vũ khí với Triều Tiên.

20/11/2010, Theo báo cáo của giáo sư Siegfried Hecker đến từ ĐH Stanford, Triều Tiên đã có một cơ sở làm giàu hạt nhân mới, tạo ra 2.000 máy ly tâm.

17/12/2011, lãnh đạo Kim Jong-il qua đời vì đau tim, Kim Jong-un, con trai ông lên nắm quyền.

29/2/2012, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Triều Tiên đã đồng ý cấm bắn tên lửa tầm xa và các hoạt động hạt nhân tại Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của nước này.

13/4/2012, thử tên lửa tầm xa thất bại.

12/12/2012, Triều Tiên bắn thành công tên lửa tầm xa Unha-3 từ Trung tâm vũ trụ Sohae ở Cholsan và đưa một "vệ tinh đang hoạt động" vào quỹ đạo.

Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên được phóng đi. Ảnh: AP

24/1/2013, Ủy ban quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa. Tất cả những hành động sắp diễn ra là nhằm vào nước Mỹ - "kẻ thù truyền kiếp của người Triều Tiên".

12/2/2013, Triều Tiên thử hạt nhân lần 3. Đây là vụ thử đầu tiên dưới thời ông Kim Jong-un.

2/10/2014, một đặc phái viên cấp cao của Triều Tiên cho biết nước này sẵn sàng nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân.

9/5/2015, hãng thông tấn Triều Tiên đưa tin nước này đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng tử tàu ngầm.

20/5/2015, Triều Tiên tuyên bố mình có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, bước đi quan trọng để sản xuất tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nói rằng Mỹ không tin Triều Tiên có khả năng này.

21/6/2015, Triều Tiên không muốn đàm phán theo kiểu của Iran sau khi Tehran và phương Tây đạt được thỏa thuận hạt nhân.

12/8/2015, ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã có cơ sở làm giàu uranium mới tại Yongbyon.

15/8/2015, căn thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau hàng loạt khiêu khích như đánh bom mìn, tuyên truyền qua loa phóng thanh...

15/9/2015, một quan chức năng lượng nguyên tử cấp cao của Triều Tiên tuyên bố nước này sẵn sàng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân vào "bất cứ lúc nào". Người này nói thêm kho vũ khí hạt nhân của họ đã được cải thiện cả về "số lượng và chất lượng".

16/9/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Triều Tiên không được phép trở thành một quốc gia hạt nhân và các lệnh trừng phạt hiện nay là  chưa đủ.

9/10/2015, Triều Tiên chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ tư, có thể là tên lửa đạn đạo tầm trung, phóng đi từ tàu ngầm.

10/10/2015, Triều Tiên tổ chức duyệt binh lớn kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động.

6/1/2016, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.

Ảnh vệ tinh chụp nơi thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: AP

8/1/2016, ngay sau tuyên bố trên, Hàn Quốc khởi  động lại chương trình phóng thanh ở khu phi quân sự.

10/1/2016, Mỹ điều một máy bay ném bom B-52 tới Osan, Hàn Quốc để "đáp trả" tuyên bố của Bình Nhưỡng.

27/1/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Trung Quốc gây áp lực cho Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân.

28/1/2016, ảnh vệ tinh do thám Mỹ cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa.

7/2/2016, Triều tiên phóng tên lửa tầm xa.

[mecloud]HxITK0TkI5[/mecloud]

Bảo Linh (theo CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news