Mới đây, một nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo thành phố được mệnh danh là "Quả táo lớn" - New York hiện đang đối mặt với cuộc tổng tấn công của thảm họa khí hậu. Và cuộc chiến này sẽ tồi tệ hơn bất cứ điều gì mà điện ảnh Hollywood đã từng tưởng tượng ra.
NYP cho hay theo như nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Nature Climate Change thì những cơn mưa cực lớn cùng với mực nước biển dâng cao và các trận bão mạnh có thể phá hủy toàn bộ thành phố cùng một lúc vào cuối thế kỷ này nếu không tiến hành những giải pháp nhằm giảm đáng kể lượng khí nhà kính phát thải.
Thành phố New York có thể bị nhấn chìm. Ảnh: NYP |
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng cũng giống như những gì đã từng xảy ra trên phạm vi toàn cầu do tác động của những thảm họa thời tiết hiện đại, khung ảnh hoang tàn mà New York phải hứng chịu là kết quả của những đợt sóng nhiệt,những vụ cháy rừng cũng như những trận đại hồng thủy.
Phát biểu trước CBS News, Camillo Mora tác giả chính của nghiên cứu đã ví von:"Đối mặt với những thay đổi khí hậu sẽ giống như khi bạn tham gia vào một trận chiến cùng một lúc với Mike Tyson, Schwarzenegger, Stallone, Jackie Chan, và điều đó, hiển nhiên là vượt quá khả năng của bạn".
23 nhà nghiên cứu đã xác định được 467 cách khác nhau khiến thế giới bị ảnh hưởng bởi những thay đổi khí hậu khắc nghiệt - sau đó kiểm tra khả năng các mối đe dọa sẽ kết hợp với nhau trong vài thập kỷ tới.
Mora, một giáo sư tại Đại học Hawaii, nơi có rất nhiều nhà nghiên cứu đang tập trung, cho biết:"Sự tập trung vào một hoặc một vài mối nguy hiểm có thể khiến chúng ta không thấy hết được tác động của các mối nguy hiểm khác, dẫn đến đánh giá không đầy đủ về hậu quả của biến đổi khí hậu đối với nhân loại".
Tất cả phụ thuộc vào việc nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính. Nếu nhân loại làm nhiệt độ trái đất nóng lên 2 độ C ở phạm vi toàn cầu, thành phố New York có thể sẽ phải đối mặt với thảm họa hủy diệt trong bất kỳ năm nào vào cuối thế kỷ này.
Năm ngoái, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước khí hậu Paris, một thỏa thuận trên toàn thế giới với 195 quốc gia tham gia nhằm giữ mức tăng dưới 2 độ C.
Tháng trước, một báo cáo đáng lo ngại của Liên Hợp Quốc đã đưa ra các cảnh báo nghiêm trọng tương tự về hậu quả tàn phá khí hậu nếu việc phát thải khí nhà kính không giảm mạnh vào năm 2030.
Minh Di (tổng hợp)