Sinh vật sống lâu đời nhất trên hành tinh của chúng ta chính là cây cối. Kỷ lục hiện tại thuộc về những cây thông nón Bristlecones ở miền Tây Hoa Kỳ được biết là đã hơn 3.000 năm tuổi. Đặc biệt, một cây thông nón được phát hiện vào năm 2012 ước tính đã hơn 5.060 năm tuổi, khiến nó trở thành cây không phải dòng vô tính lâu đời nhất được biết đến trên thế giới. Tuy nhiên, cây thông nón chắc chắn không phải trường hợp duy nhất có tuổi thọ siêu "khủng": các cá thể ở một số loài cây khác cũng đã tồn tại hàng thiên niên kỷ.
Vậy làm thế nào để một số loài cây có thể tồn tại đến hàng ngàn năm? Đây là một câu hỏi khiến các nhà sinh vật học nghiên cứu suốt lâu nay.
Một phần câu trả lời chính là may mắn. Những cây cổ thụ đã không khuất phục trước bệnh tật, sâu bệnh, hỏa hoạn, hạn hán, bão gió, lở đất hoặc rìu của con người trong nhiều thế kỷ. Chỉ điều đó thôi cũng khiến chúng trở thành cái cây may mắn nhất.
Phần còn lại của câu trả lời liên quan đến tuổi thọ của cây. Trên thực tế, có khá nhiều tranh cãi về việc liệu cây cổ thụ có thể được coi là “bất tử” hay không. Nghĩa là, liệu những cây như vậy có bao giờ chết nếu không bị một thế lực bên ngoài tác động? Chúng ta có lẽ không bao giờ biết câu trả lời, nhưng ít nhất, chúng ta biết rằng những cây cổ thụ già đi theo những cách khác biệt đáng kể so với cách mà hầu hết các loài động vật và thậm chí cả các loài thực vật khác già đi.
Trong khi tế bào chết là một yếu tố quan trọng trong quá trình lão hóa của con người và các động vật khác, một nghiên cứu tìm thấy rất ít bằng chứng về sự chết tế bào ở biểu sinh mạch của cây bạch quả, một mô quan trọng gần vỏ cây liên tục tạo ra xylem và phloem mới để vận chuyển thức ăn, nước và khoáng chất cho cây. Ngoài ra, một nghiên cứu về phấn hoa thông nón Bristlecone cho thấy không có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ đột biến theo tuổi tác, đây là một yếu tố khác liên quan đến quá trình lão hóa của động vật. Hơn nữa, một số cây cổ thụ có khả năng phòng vệ hóa học vượt trội chống lại sâu bệnh.
Ở cấp độ vĩ mô, cây có thân đơn giản và phát triển theo mô đun, nghĩa là một bộ phận bị mất đi có thể được thay thế, có thể là chiếc lá hoặc cành. Ngoài ra, những cây già được hưởng lợi rất nhiều từ việc thân cây được làm chủ yếu từ mô gỗ chết. Trên thực tế, một cây cổ thụ có thể có tới 95% mô chết! Vì nó không còn sống nên gỗ không cần hoạt động trao đổi chất để duy trì nó, vì vậy một cây cổ thụ không thực sự cần phải làm gì nhiều để tiếp tục sống.
Tóm lại, có vẻ như vài nghìn năm may mắn cũng như cấu trúc cơ thể đơn giản, ít cần bảo trì và một số đặc điểm tế bào thông minh đều phối hợp với nhau để giúp một số cây có thể sống lâu một cách ngoạn mục.