Phía Moscow đã quyết định sẽ có cuộc phô diễn sức mạnh tên lửa không xa nơi các thành viên NATO cùng đối tác đang tập trận rầm rộ ở Na Uy.
Hãng thông tấn AP đưa tin cho hay mới đây kể từ ngày 25/10, hàng chục nghìn binh sĩ cùng hàng trăm tàu chiến, máy bay, phương tiện quân sự của NATO và của Phần Lan cùng Thụy Điển đã đổ về Na Uy để thực hiện các bài tập trên không, trên bộ và trên biển.
Tàu chiến Nga bắn tên lửa trong một cuộc diễu binh ở Sevastopol, Crưm. Ảnh: AP |
Tập trận Trident Juncture (Liên kết Đinh Ba) 2018 có quy mô lớn chưa từng có trong nhiều năm, kéo dài đến ngày 7/11. Mục đích để rèn "phản ứng tập thể của NATO trước một cuộc tấn công vũ trang chống lại một nước đồng minh", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg giải thích. Ông khẳng định cuộc tập trận là cần thiết để "phát đi một thông điệp đoàn kết mạnh mẽ".
Tuy NATO tuyên bố bản chất của Trident Juncture là phòng thủ chứ không phải khiêu khích, Moscow vẫn cho rằng đây là các hoạt động quân sự chống lại Nga. Lý do là cuộc tập trận diễn ra quá sát các đường biên giới nước này, lại có sự tham gia của nhiều nước láng giềng.
"Các hoạt động quân sự của NATO gần sát biên giới của chúng tôi đã đạt mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói ngày 24/10, và tuyên bố Trident Juncture "mô phỏng một hành động quân sự tấn công".
Các nhà chức trách Nga cho biết họ cũng sắp có màn phô diễn sức mạnh cách không xa nơi binh lính NATO đang hoạt động. Theo kế hoạch, Hải quân Nga sẽ thực hiện các vụ phóng tên lửa trong các ngày 1-3/11 ở Biển Na Uy, trong phạm vi hải phận quốc tế phía tây các thành phố Kristiansund, Molde, và Alesund.
Theo một thông cáo của Dylan White, sĩ quan báo chí của NATO, Nga còn phóng tên lửa xa hơn về phía nam trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 9/11.
Erik Lodding, phát ngôn viên của hãng điều hành các sân bay Na Uy, xác nhận Moscow đã gửi văn bản tới công ty báo trước về các vụ phóng tên lửa đó.
Nga có chung đường biên giới phía bắc với Na Uy. Hạm đội phương Bắc của Nga cùng các vũ khí hạt nhân đặt trên tàu ngầm nước này đóng chốt tại Bán đảo Kola, cách không xa đường biên giới Na Uy. Trong những năm gần đây, Nga cũng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực.
Minh Di (tổng hợp)