Mới đây một nhà toán học nói rằng ông phát hiện ra khá nhiều điểm đáng nghi trong những dữ liệu sóng âm lúc MH370 mất tích.
Mới đây trên tạp chí The Conversation, tiến sĩ Usama Kadri - một giảng viên về toán học và kỹ thuật ứng dụng – viết về việc ông đã tìm ra điểm va chạm mới dựa trên sóng âm như thế nào.
Theo đó, nhà toán học này tin rằng ông tính toán được "vị trí va chạm" mới, nơi máy bay có thể đã rơi xuống vào năm 2014 cùng với 239 người.
Máy bay MH370 mất tích bí ẩn vào ngày 8/3/2014. Ảnh: Internet |
Tiến sĩ này cho biết ông cùng với nhóm nghiên cứu đã xác định được 2 địa điểm va chạm và một đường bay mà MH370 có thể đã thực hiện vào ngày 8/3/2014. Mặc dù vậy, Kadri không tiết lộ chi tiết về những phát hiện này.
Giả thuyết này cho rằng địa điểm va chạm là ở phía bắc Ấn Độ Dương trong khi giả thuyết khác lại nói rằng MH370 rơi ở gần Madagascar.
Tiến sĩ Kadri tập trung nghiên cứu sóng âm (cả dưới nước và trên mặt nước) cùng với tiếng động bị làm nhiễu do tập trận quân sự gần đó.
Ông cũng đã đặt câu hỏi về việc "dữ liệu biến mất" trong vòng 25 phút tại một cơ sở quốc phòng bí mật của Mỹ.
“Khi bạn thả một viên sỏi xuống hồ, sóng nước được tạo ra từ điểm va chạm, trong khi đó, sóng âm tạo ra tiếng động mà bạn nghe thấy”, Kadri viết trên The Conversation. "Một loại sóng khác cũng được tạo ra trong nước: thủy âm. Tương tự sóng âm, thủy âm di chuyển tương đối chậm qua dòng nước, với tốc độ 1500 m/giây".
Khi một vật rơi xuống nước, sóng bề mặt có xu hướng ngày càng nhỏ cho đến khi chúng ta không nhìn thấy chúng nữa.. Tuy nhiên, sóng bề mặt tiếp tục di chuyển qua nước ở độ sâu thấp hơn, những đợt sóng này có thể đi được hàng nghìn km mà không bị xáo trộn, thậm chí đi suốt đại dương.
Với một chiếc máy bay như MH370, cú rơi tác động lên bề mặt đại dương khá dữ dội. Cú va chạm này sẽ tạo ra "sóng bề mặt lớn và một loạt sóng âm phát ra từ sự thay đổi áp suất đột ngột được gọi là sóng âm trọng lực".
“Những sóng này có thể di chuyển hàng ngàn km dưới nước, mang theo thông tin quan trọng về nguồn gốc của tác động, trước khi tiêu tan”, tiến sĩ viết.
Trước đó, vào năm 2017, ông cùng với đồng nghiệp của mình là Tiến sĩ Davide Crivelli sẽ xem xét sóng âm trọng lực được thu bởi các trạm thủy âm ở Ấn Độ Dương và tìm ra hai điểm va chạm nghi là của MH370 tác động với đại dương.
Mặc dù vậy nghiên cứu mới đây của họ cho thấy một yếu tố khác có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả cũ: độ đàn hồi của đáy biển.
"Các sóng âm trọng lực mà chúng tôi đã phân tích được lấy từ hai trạm thủy âm (mỗi trạm có ba micrô dưới nước), hoạt động vào thời điểm MH370 bị mất tích”, Kadri viết.
“Trạm đầu tiên, HA01, nằm ở ngoài khơi Cape Leeuwin, Tây Úc, trong khi trạm thứ hai, được biết đến với cái tên HA08s, nằm ở Diego Garcia, một phần của Quần đảo Chagos.
“Các nghiên cứu trước chủ yếu xem xét tín hiệu thu thập bởi trạm HA01, cũng như tín hiệu liên quan đến việc truyền dữ liệu vệ tinh từ MH370. Tuy nhiên, với sự hiểu biết mới về sóng âm trọng lực, chúng tôi quyết định xem xét dữ liệu âm thanh từ HA01 được ghi lại trong khung thời gian rộng hơn và phân tích dữ liệu xa hơn, từ trạm HA08s.
“Xét đến tác động của độ co giãn đáy biển, các vị trí mà trước đây chúng tôi xác định bằng cách sử dụng dữ liệu từ HA01 giờ đã thay đổi”.
Khi mà dữ liệu của HA01 tương đối rõ ràng, dữ liệu từ HA08 bị làm nhiễu bởi tiếng ồn của cuộc tập trận quân sự gần đó.
HA08 được đặt tại một cơ sở quốc phòng bí mật của Mỹ tại Diego Garcia, trung tâm Ấn Độ Dương.
Phần lớn các dữ liệu của HA08 trong khung thời gian liên quan đều bị nhiễu.
Trong khoảng thời gian 25 phút dữ liệu đã mất tích cũng không thể giải thích được.
"Những tín hiệu mà chúng tôi phân tích cho thấy trạm đã ngừng hoạt động 25 phút mà không được giải thích bởi Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện, nơi chịu trách nhiệm cho các trạm thủy âm”, tiến sĩ nói.
Cũng theo ông, việc sắp xếp dữ liệu từ HA08 và HA01 đã giúp họ tìm được một điểm va chạm mới, mặc dù vậy ông cũng không tiết lộ chi tiết về điểm va chạm này.
Ông cũng cho biết các tín hiệu này có thể xuất phát chính từ cuộc tập trận và vẫn khuyến khích nghiên cứu thêm về một số tín hiệu từ HA08.
Minh Di (tổng hợp)