Không chỉ riêng Việt Nam muốn công khai tài sản quan chức, giúp ích cho việc chống tham nhũng, đây còn là mong muốn của người dân toàn thế giới.
Nền tảng kê khai tài sản quan chức
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), trên khắp thế giới, hầu hết các nước đều mong đợi lãnh đạo của mình công khai tài sản. Khi họ không làm vậy hoặc những con số dường như chung chung thì có thể dẫn tới tình trạng bât ổn trong quần chúng và chính trị.
Các chính trị gia và công chức nắm giữ quyền lực đáng kể trong việc phân bổ các nguồn lực của đất nước và công dân - những người bầu họ, những người trả lương cho họ thông qua đóng thuế. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), được 166 nước phê chuẩn, đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý việc kê khai tài sản của các quan chức chính phủ. Nghiên cứu cho thấy việc kê khai tài sản là cách để công chúng đảm bảo rằng các lãnh đạo của họ không lạm dụng quyền lực vì tư lợi (tham nhũng). Kê khai tài sản là phương tiện để bám chặt vấn đề đạo đức và liêm chính trong các lớp học chính trị và nên là một phần của tất cả các quy tắc ứng xử.
Không có tiêu chuẩn quốc tế nào cho việc thực hiện kê khai tài sản và giám sát việc này. Tuy nhiên, có những nguyên tắc cốt lõi đó là nên lập ra nền tảng cho bất cứ khuôn khổ pháp lý nào.
- Kê khai tài sản là một bảng cân đối kế toán của một người và nên bao gồm toàn bộ tất cả các loại tài sản.
- Quan chức 3 ngành của chính phủ - lập pháp, hành pháp và tư pháp - và các công chức sự nghiệp cấp cao phải được yêu cầu nộp bảng kê khai tài sản trước và sau khi nhập chức, theo định kỳ.
- Cần có một cơ quan giám sát và đánh giá để thu thập, xác minh thông tin, điều tra, truy tố và xử phạt những người không tuân thủ.
Trên thế giới, có rất nhiều biến thể việc kê khai tài sản, tùy vào mỗi nước. Việc kê khai tài sản tại Mỹ thường được coi là mẫu bởi nó toàn diện và minh bạch. Mặc dù ở Mỹ không có yêu cầu công khai việc kiểm tra nhưng nếu người dân yêu cầu, họ sẵn sàng công bố.
Tài sản của Tổng thống Mỹ Barack Obama được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ảnh: Internet |
Mỹ có luật Đạo đức trong Chính phủ năm 1978, yêu cầu các quan chức liên bang cấp cao công khai các lợi ích tài chính cá nhân. Hệ thống lưu trữ công cộng được sử dụng để ngăn chặn các xung đột lợi ích về mặt tài chính khi cung cấp cái nhìn tổng quan về tài chính của các quan chức chính phủ. Cả tổng thống lẫn phó tổng thống Mỹ đều phải nộp báo cáo lên phòng Đạo đức Chính phủ. Báo cáo tài chính của họ sẽ được công khai trên website của Nhà Trắng và trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Vào năm 2011, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) báo cáo có tới 86% các nước OECD đòi hỏi các lãnh đạo cấp cao công khai tài sản cá nhân. Đáng chú ý là chưa tới 1/4 các nước trong số này không cấm việc nhận quà.
Chỉ có 43% các nước công khai tài sản quan chức
Luật công khai tài chính yêu cầu các quan chức nộp báo cáo tài sản, công nợ và lợi tức của họ. Điều này giúp phát hiện tham nhũng dễ dàng. Tuy nhiên, một cơ sở dữ liệu năm 2012 của World Bank cho thấy mặc dù có 78% quốc gia trong này có hệ thống công khai tài chính nhưng chỉ có 36% quan chức bị vạch trần là làm sai luật, có sự mâu thuẫn.
Để hỗ trợ cho cuộc chiến chống tham nhũng tại các nước, WB đã tung ra Thư viện Luật Công khai tài chính, giúp các nhà hoạch định Chính sách và những người thi hành lập nên những hệ thống công khai tài chính mạnh mẽ. Thư viện này biên soạn hơn 1.000 bộ luật và các quy định về công khai tài chính cũng như hạn chế các hoạt động của công chức từ 176 nước.
Theo thư viện này, không phải tất cả các công chức đều có nghĩa vụ công khai khai tài sản và lợi tức của họ. Các quan chức cấp cao nói chung gồm: 93% các nước yêu cầu công khai tài chính của các thành viên nội các, 91% của các thành viên Quốc hội và 62% của các công tố viên cấp cao. Tuy nhiên, chỉ có 43% các nước để công chúng tiếp cận với thông tin tài chính của quan chức.
Một phân tích của WB hồi đầu năm 2012 cho thấy 93% các nước châu Mỹ Latin và vùng Caribbean có hệ thống công khai trong khi con số này ở Trung Đông và Bắc Phi là 53%.
Trung Quốc hành động quyết liệt
Năm 2010, Trung Quốc đã đưa ra quy định về chống tham nhũng, yêu cầu cán bộ chính quyền phải kê khai thu nhập, tài sản và các khoản đầu tư.
Theo BBC, trước đó, vào năm 2006, Trung Quốc đã có luật về kê khai tài sản của các quan chức và quy định năm 2010 chỉ là mở rộng thêm. Tuy nhiên, những quy định mới này không yêu cầu công khai tài sản của quan chức, việc kê khai chỉ được áp dụng nội bộ và chỉ có cơ quan đảng Cộng sản Trung Quốc mới kiểm soát các thông tin này.
Chu Vĩnh Khang (trái) bị điều tra theo đề xuất của cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo (phải). Ảnh: Getty |
Trước khi ra quy định mới, những ai không kê khai theo luật sẽ bị "phê bình có thông báo" nhưng khi luật này được thông qua, ai không cung cấp thông tin sẽ bị "sa thải hoặc kỳ luật".
Luật mới được áp dụng với các quan chức từ cấp trung tới cấp cao và cả các giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước.
Sau khi các báo cáo kê khai tài sản được quan chức nộp lên, các cơ quan giám sát kỷ luật sẽ lựa chọn ngẫu nhiên các bản báo cáo để kiểm tra. Bất cứ ai bị phát hiện gian dối sẽ bị khóa tài khoản. Theo Tân Hoa Xã, trong năm 2015, đã có hơn 3.900 quan chức Trung Quốc bị loại khỏi danh sách đề nghị thăng chức, 124 người bị giáng chức.
Việc kiểm tra báo cáo kê khai tài sản ở Trung Quốc được thực hiện rất nghiêm. Chỉ cần kê thiếu diện tích sàn nhà chỉ 1m2, người đó cũng phải viết báo cáo bổ sung.
Số lượng các bản báo cáo được kiểm tra năm 2015 đã giảm đi một nửa so với năm 2014. Theo dự kiến, việc kiểm tra trong năm 2016 sẽ được chính quyền Trung Quốc thực hiện "khắt khe" hơn. Bắc Kinh cũng sẽ mở rộng phạm vi đối tượng phải kê khai và kiểm tra báo cáo tài sản. Đây là dấu hiệu cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm đẩy lùi tham nhũng.
Bảo Linh