Tin mới

Thế giới xuất hiện loạt ổ dịch mới, làn sóng thứ hai hiện hữu

Thứ hai, 11/05/2020, 09:39 (GMT+7)

Những cụm dịch Covid-19 mới tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức làm dấy lên lo ngại về làn sóng thứ hai giữa lúc nhiều nước đang nới lỏng dần phong tỏa.

Các quan chức y tế thế giới đang theo dõi xem tỷ lệ lây nhiễm gia tăng như thế nào trong làn sóng thứ hai trong khi các quốc gia và tiểu bang có mức độ phong tỏa khác nhau. Ngày 10/5, Trung Quốc báo cáo thêm 14 ca nhiễm mới, đây là mức tăng 2 chữ số đầu tiên tại nước này trong vòng 10 ngày qua. 11 trong số 12 ca lây nhiễm cộng đồng tại tỉnh Cát Lâm, đông bắc nước này đã thôi thúc các nhà chức trách nâng mức cảnh báo tại thành phố Thư Lan lên cao. Sự việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi tất cả các khu vực đều hạ thấp mức độ rủi ro.

Hàn Quốc báo cáo thêm 34 ca nhiễm có liên quan đến những hộp đêm tại Itaewon. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới hàng ngày của Hàn Quốc trên 30 trong khoảng một tháng.

Trên khắp châu Âu, nhiều quốc gia đã nới lỏng phong tỏa ngay cả khi họ đã chuẩn bị cho những đợt lây nhiễm mới. Toàn thế giới, hơn 4 triệu người đã nhiễm Covid-19 và gần 280.000 người đã tử vong, hơn một nửa số này ở châu Âu, theo dữ liệu từ ĐH Johns Hopkins.

Một phụ nữ đeo khẩu trang tập chạy tại Madrid, Tây Ban Nha sau khi chính phủ nước này cho phép. Ảnh: AFP

Dưới đây là những diễn biến chính của đại dịch trên toàn thế giới tính đến sáng 11/5:

Mike Pence không cách ly kiểm dịch

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence không cách ly kiểm dịch và đã cho kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, người phát ngôn của ông tuyên bố. Trước đó, một trợ lý thân cận của ông Pence đã dương tính với virus.

Không chỉ thư ký báo chí của ông Pence, nhiều nhân viên khác trong Nhà Trắng cũng đã nhiễm virus. Một lính cần vụ của Tổng thống Donald Trump đã có kết quả dương tính vào tuần trước. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng đã thực hiện cách ly dù thuộc diện có nguy cơ thấp. Giám đốc CDC Mỹ Robert R. Redfield cũng đã làm việc từ xa sau khi tiếp xúc gần với một nhân viên nhiễm bệnh.

Tổng thống Trump, 73 tuổi và Phó Tổng thống Pence, 60 tuổi cùng với nhiều người khác tại Nhà Trắng sẽ được làm xét nghiệm Covid-19 hàng ngày. Nhưng cả hai lãnh đạo trên thường bất chấp hướng dẫn của chuyên gia y tế về việc đeo khẩu trang bảo vệ.

Lộ trình nới phong tỏa của Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày hôm qua tuyên bố một kế hoạch chia giai đoạn để nới lỏng phong tỏa toàn quốc. Theo đó, các trường học và cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại từ 1/6, khi tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Johnson cũng tuyên bố kế hoạch cách ly kiểm dịch với những người đến Anh bằng đường hàng không để ngăn ngừa nhiễm các ca nhiễm nhập khẩu.

Gần 7 tuần sau khi Anh ban hành lệnh ở nhà trên toàn quốc, hơn 31.000 người đã thiệt mạng, khiến Anh trở thành quốc gia bị thiệt hại vì dịch mạnh nhất châu Âu, thứ hai thế giới sau Mỹ.

Ông Johnson cho biết bắt đầu trong tuần này, chính phủ sẽ "tích cực khuyến khích" người dân trở lại làm việc trong những lĩnh vực không thể làm tại nhà, ví dụ như sản xuất hoặc xây dựng. Những hoạt động ngoài trời như đánh golf, chơi tennis, câu cá sẽ được phép thực hiện từ 13/5, miễn là chỉ có những thành viên trong gia đình tham dự.

Trong giai đoạn thứ hai, trẻ từ lứa tuổi mầm non tới 11 tuổi có thể bắt đầu trở lại trường sớm nhất là từ 1/6. Một số cửa hàng bán đồ không thiết yếu có thể mở cửa trở lại. Đến tháng 7, "chúng ta hy vọng sẽ mở lại ít nhất một vài ngành dịch vụ khách sạn và các địa điểm công cộng khác" có thể thực thi giãn cách xã hội, chẳng hạn như những quán cà phê trong công viên.

Tuy nhiên, các quan chức cảnh báo các quán rượu có thể không được mở lại trong nhiều tháng còn học sinh lớn hưn có lẽ chưa được trở lại trường tới tháng 9. Tỷ lệ lây nhiễm cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ dưới một hệ thống cảnh báo mới.

Trẻ em Australia trở lại trường

Trẻ em tại một số bang ở Australia bắt đầu trở lại trường từ hôm nay sau kỳ nghỉ kéo dài do dịch Covid-19. Tỷ lệ lây nhiễm tại nước này vẫn tiếp tục ở mức thấp.

Theo các nhà lãnh đạo, học sinh tại New South Wales (NSW), bang đông dân nhất và bang Queensland bắt đầu trở lại trường nhưng sẽ có một số giới hạn để giảm nguy cơ lây nhiễm. Quy mô lớp học, các hoạt động có sự tiếp xúc giữa học sinh đều được giảm xuống.

NSW chiếm 45% trong số 6.941 ca nhiễm và 97 ca tử vong vì dịch tại Australia. Nhưng bang này cho biết họ sẽ bắt đầu nới lỏng một số hạn chế di chuyển vào cuối tuần này khi tỷ lệ ca nhiễm mới duy trì ở mức thấp. Trong 24 giờ qua, tiểu bang chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm mới. Cả nước ghi nhận 13 ca nhiễm.

Australia đã tránh được thảm kịch giống như nhiều nước khác khi nhanh chóng ban hành lệnh ở nhà và đóng cửa biên giới, kể cả biên giới giữa các bang.

Hơn 10.000 ca Covid-19 tại Nam Phi

Số ca nhiễm được xác nhận tại Nam Phi đã vượt 10.000, trong đó có 194 ca tử vong, Bộ trưởng Y tế Zwelini Mkhize tuyên bố. Trong đó, 2 khu vực Western Cape và Eastern Cape chiếm 84% trong tổng số ca nhiễm mới.

Nam Phi là quốc gia bị thiệt hại nặng nhất tại khu vực châu Phi cận Sahara. Từ 1/5, chính phủ đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt từ cuối tháng 3 để ngăn dịch lây lan.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news