Ri Jong Ho từng điều hành đường dây gom tiền bí mật của Triều Tiên trong suốt 3 thập kỷ, gửi về Bình Nhưỡng hàng triệu USD nhưng đã đào tẩu và đang định cư tại Mỹ.
Ri Jong Ho, 59 tuổi, đào tẩu sang Hàn Quốc hồi cuối năm 2014 và hiện đang chung sống cùng gia đình tại Bắc Virginia, Mỹ từ cuối năm ngoái.
Ri kể lại với phóng viên Anna Fifield của tờ The Washington Post về hoạt động kinh doanh bí mật của mình khi còn làm cho Văn phòng 39 ở Triều Tiên, mà qua đây ông ta đã chuyển về Bình Nhưỡng nhiều triệu USD.
Cấm vận không hiệu quả
Trong cuộc trò chuyện với Anna Fifield, Ri nói rằng tất cả các nỗ lực của Mỹ và quốc tế nhằm cấm vận Triều Tiên sẽ không có hiệu quả vì nước này có rất nhiều chiêu thức lách cấm vận khác nhau.
Trong khoảng 3 thập kỷ, Ri là "thợ kiếm tiền" hàng đầu cho Triều Tiên, mỗi năm gửi về Bình Nhưỡng hàng triệu USD bất chấp quốc tế áp đạt hết vòng cấm vận này đến vòng cấm vận khác để trừng phạt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
"Chúng tôi chưa bao giờ bị ảnh hưởng hay công việc bị tổn hại vì các đợt cấm vận. Thay vào đó, chúng tôi vẫn có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên năm 2006", Ri kể lại.
"Tôi từng bị cấm vận, do là người Triều Tiên lãnh đạo kinh doanh ở tuyến đầu, nhưng tôi chưa khi nào cảm thấy bị ảnh hưởng bởi cấm vận. Cấm vận chỉ là chiếu lệ".
Ri Jong Ho từng có 30 năm làm việc cho Văn phòng 39, gửi về cho Triều Tiên hàng triệu USD. Ảnh: NDTV
Ri nói rằng Triều Tiên liên tục tìm được cách né tránh, bất chấp hình thức cấm vận nào được áp đặt.
"Tại Triều Tiên, 100% các công ty thuộc sở hữu nhà nước vì vậy họ chỉ cần đổi tên ngay sau ngày bị tuyên bố cấm vận. Theo cách đó, các công ty tiếp tục hoạt động nhưng bằng tên gọi khác chứ không còn là tên trong danh sách cấm vận nữa".
Ngay cả các đối tác Trung Quốc của Ri cũng không hề hấn gì. "Đối tác của tôi ở Trung Quốc cũng muốn kiếm lợi, vì thế họ không quan tâm nhiều đến cấm vận. Khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu họ dừng hoạt động, họ cũng dừng trong vài ngày, rồi lại tiếp tục".
Kênh gom tiền bí mật
Ri miêu tả, ông có thể gửi về Triều Tiên hàng triệu USD chỉ đơn giản bằng cách trao túi tiền cho thuyền trưởng một con tàu đang rời cảng Đại Liên (Trung Quốc) tới cảng Nampo (Triều Tiên) hoặc chỉ cần đưa túi tiền cho một ai đó mang về bằng đường tàu hỏa qua biên giới giữa hai nước.
Bằng cách này, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014 (Ri đào tẩu tháng 10 cùng năm), ông ta đã gửi về Bình Nhưỡng khoảng 10 triệu USD.
Ri làm việc cho Văn phòng 39 suốt 3 thập kỷ. Đây là tổ chức bí mật của Triều Tiên chịu trách nhiệm thu gom tiền theo lệnh của lãnh đạo nước này.
Ri nói rằng ông từng làm chủ tịch của một công ty vận tải và chủ tịch Tập đoàn Kumgang – doanh nghiệp góp vốn cùng với Sam Pa, doanh nhân người Trung Quốc, để vận hành một hãng taxi tại Bình Nhưỡng.
Với những đóng góp "to lớn" của mình, năm 2012 Ri được phong tặng danh hiệu "anh hùng lao động". Ri cũng có một cuộc sống tương đối ổn ở Bình Nhưỡng, có cả ti vi màu và xe hơi.
"Tôi rất trung thành với Kim Jong Il, vì vậy tôi được ông ban thưởng", Ri nhớ lại. "Khi đó, tôi là người giàu có."
Chức vụ cuối cùng của Ri là điều hành một chi nhánh ở Đại Liên của Daeheung, công ty thương mại vận tải, xuất khẩu than, hải sản và nhập khẩu dầu. Công ty này được giao chỉ tiêu lợi nhuận hàng năm nhưng Ri từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Bất chấp cấm vận, Triều Tiên vẫn liên tục thử tên lửa. Ảnh: CNN/Rodong Sinmun
Đào tẩu vì sợ hãi
Tuy nhiên, đến năm 2014 Ri ngày càng mất niềm tin khi chứng kiến Kim Jong-un thanh trừng chính người chú Jang Song Thaek của mình. Hàng chục người khác làm việc cho Jang cũng bị thanh trừng vào thời điểm đó.
Ri lo sợ gia đình mình sẽ là nạn nhân kế tiếp nên quyết định đào thoát sang Hàn Quốc rồi sau đó qua Mỹ.
Ở Mỹ, Ri được nhiều chuyên gia coi là nguồn khai thác thông tin hữu ích giúp Mỹ tìm được cách thức hiệu quả đối phó với Triều Tiên.
"Khi một người đào tẩu, đặc biệt lại là người biết rất rõ nội tình hoạt động của Văn phòng 39, và có thể cả các hoạt động ở bên ngoài nữa, thì sẽ rất hữu ích cho chúng ta", Anthony Ruggiero, nguyên cố vấn cấp cao cho Phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán 6 bên nhận xét.
Chính Ri cũng cho rằng: "Không biết cách để gây tổn hại thực sự cho Triều Tiên thì sẽ không thể thay đổi được các toan tính hạt nhân của họ".
Với lý do này, Ri bày tỏ ủng hộ cách thức tiếp cận "gây sức ép tối đa" kết hợp với đối thoại như chính Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đề cập.
‘Tôi nghĩ, giữa Mỹ và Triều Tiên nên tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao để cả hai bên có thể cùng nhau giải quyết vấn đề", Ri nói. "Giống như người ta thường nói trong chính trị: Hôm qua là kẻ thù, hôm nay có thể là bạn".