Mỹ ra danh sách 300 tỷ USD hàng Trung Quốc có thể bị đánh thuế tiếp
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vừa công bố danh sách số hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ USD có thể bị đánh thuế 25% theo lời đe dọa trước đó của ông Trump. Cơ quan này sẽ tổ chức một buổi điều trần ngày 17/6 và sau đó là một tuần lấy ý kiến đóng góp. Vì vậy, sớm nhất phải đến cuối tháng 6, thuế này mới có thể có hiệu lực.
Số hàng hóa này bao gồm "tất cả sản phẩm hiện chưa nằm trong danh sách đánh thuế" với Trung Quốc ở các vòng trước, từ sữa, quần áo trẻ em, đồ chơi, điện thoại, laptop đến nhôm, thép. Danh sách đề xuất đã loại ra dược phẩm, một số sản phẩm y tế, đất hiếm và các khoáng sản cần thiết. Những sản phẩm được miễn thuế trong các lần trước "cũng không bị ảnh hưởng".
Dù vậy, cách đây vài giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vẫn chưa quyết định có nên đánh thuế tiếp với hàng Trung Quốc hay không. Nếu thực hiện, gần như toàn bộ hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu thuế. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ thâm nhập vào các gia đình Mỹ, với hàng loạt sản phẩm chịu ảnh hưởng.
Rộ tin đồn Tổng thống Kenya mất tích sau chuyến thăm Trung Quốc
Đăng lên Twitter với hashtag #FindPresidentUhuru (Tìm Tổng thống Uhuru), cuối tuần vừa rồi, người dân Kenya nói ông Kenyatta đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi tới Trung Quốc hồi tháng 4.
Kanze Dena, người phát ngôn của Tổng thống đã phải đăng đàn lên Twitter cho biết ông Kenyatta vẫn tới văn phòng hàng ngày và giải quyết công việc.
Ông Kenyatta tới Bắc Kinh vào tháng 4 để tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai. Tại đây, ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký kết các thỏa thuận song phương với Trung Quốc.
Bà Dena cho biết mình "đã bị sốc" khi biết những tuyên bố nói ông Kenyatta không xuất hiện kể từ khi trở về sau chuyến công du đó. Bà nói tổng thống đã tham gia một cuộc họp với tổ chức y tế quốc tế Global Fund hồi đầu tháng 5 này.
Tuy nhiên, bà Dena thừa nhận bà đã không truyền đạt về các hoạt động của tổng thống như thường và hứa sẽ chia sẽ chia sẻ thông tin với công chúng, báo chí thường xuyên hơn.
Văn phòng tổng thống cũng đã đăng một bức ảnh của ông Kenyatta ở nơi làm việc lên Twitter.
Tội phạm ấu dâm Anh sang Việt Nam làm nhạc công
Christopher Trinnaman, người phía đông nam London đã bị bỏ tù 4 năm vào năm 2010 vì tán tỉnh các cô bé trên mạng và gửi cho họ những bức ảnh của mình. Ông ta biến mất ngay trước phiên tòa nhưng bị bắt lại vào năm sau và bị giam giữ ở Anh.
Mới đây, báo chí Anh đưa tin sau khi được thả ra năm 2015, Trinnaman đã chuyển tới Việt Nam. Tại đây, ông ta không phải chịu những hạn chế giống như ở Anh.
Trinnaman, người chơi kèn trombone thậm chí còn đang làm việc tại một học viện âm nhạc ở Việt Nam. Các nhà vận động đã rất phẫn nộ vì mặc dù ông ta có tên trong danh sách tội phạm tình dục nhưng lại không bị cấm ra nước ngoài.
Một phát ngôn viên của Metropolitan Police cho biết: "Lệnh Bảo vệ trước tổn thương của tình dục là một lệnh do tòa án ban ra và các điều kiện áp đặt trong trường hợp này không ngăn cản việc ra nước ngoài. Không có điều kiện nào bị vi phạm cả".
Mỹ điều B-52, F-35 và F-15 tập trận gần Iran
Hãng Sputnik ngày 14.5 đưa tin oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Mỹ lần đầu tiên tham gia tập trận sau khi được điều đến căn cứ ở Qatar nhằm đối phó với Iran.Bốn chiếc B-52H xuất phát từ căn cứ Không quân Al Udeid tham gia tập trận với tàu sân bay USS Abraham Lincoln được giả định làm mục tiêu.“Đây là sứ mệnh đầu tiên của nhóm tác chiến ném bom được điều đến khu vực thuộc trách nhiệm của Bộ chỉ huy trung tâm nhằm bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ”, theo Bộ chỉ huy trung tâm.
Không quân Mỹ cũng công bố hình ảnh cho thấy các tiêm kích F-35A Lightning II và F-15C Eagle thực hiện sứ mệnh bay “răn đe”, cũng như được tiếp liệu từ máy bay KC-135.
Trước đó, quân đội Mỹ triển khai lực lượng, bao gồm nhóm tàu sân bay tác chiến USS Abraham Lincoln và máy bay ném bom B-52, đến Trung Đông với cáo buộc Iran chuẩn bị tấn công, theo AFP.
Phản ứng trước động thái này, Chỉ huy không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) Amir Ali Hajizadeh cho rằng lực lượng quân sự Mỹ ở vùng Vịnh từng là mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng nay trở thành “mục tiêu” và “cơ hội”.
Trả lời phỏng vấn đài CNBC cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh việc triển khai lực lượng là cần thiết do có thông tin tình báo về nguy cơ Iran sắp tiến hành tấn công.
Giới chuyên gia và một số quan chức Mỹ nhận định khó có khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran ngoài khẩu chiến, theo Reuters.
Ukraine ra “tối hậu thư” cho Liên minh châu Âu
Bình luận tên tờ "Sự thật châu Âu", Ngoại trưởng Klimkin nói: “Nếu bây giờ, sau khi Nga bắt đầu cấp hộ chiếu cho cư dân của 2 nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR), các bạn (EU) có những bước hướng về phía Nga, thì toàn bộ logic của những gì chúng tôi đã làm cho đến bây giờ sẽ bị phá hủy hoàn toàn”.
Theo “Sự thật châu Âu”, Ngoại trưởng Klimkin đã đưa ra một tuyên bố tương tự tại Brussels trong cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên Liên minh châu Âu. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, sự suy yếu chế độ trừng phạt của Liên minh châu Âu chống Nga "sẽ giết chết các thỏa thuận Minsk".
Ngày 24/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh nhằm đơn giản hóa thủ tục xin cấp hộ chiếu Nga cho cư dân sinh sống ở các nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, thuộc khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.
Giải thích cho hành động này, ông Putin nói: "Người dân đang sinh sống trong lãnh thổ của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk hoàn toàn bị tước bỏ mọi quyền công dân, điều này đã vượt quá giới hạn của quyền con người, không thể để họ chịu đựng tình hình này. Nga không có mong muốn tạo ra vấn đề cho chính quyền Kiev. Đây là một vấn đề hoàn toàn nhân đạo".