Công an TPHCM vừa phát hiện và triệt phá đường dây tiêu thụ hàng ngàn chai bia “thành phẩm” trước khi các đối tượng kịp phân tán hàng kém chất lượng ra thị trường.
Theo tin tức trên báo Lao Động, chiều 12/4, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, phòng chống hàng giả, hàng nhái cùng Công an TPHCM cho biết, PC46 phối hợp Công an Q.Tân Phú bất ngờ ập vào số nhà 378/1A, đường Thoại Ngọc Hầu, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú và bắt quả tang 4 đối tượng đang sản xuất bia giả gồm: Trần Văn Nam (SN 1985), Phan Văn Lý Em (SN 1986), Trần Văn Nghiêm (SN 1996) và Trần Thị Mỹ Tiên (SN 1998, cùng ngụ tỉnh An Giang, tạm trú Q.Tân Phú).
|
Hàng giả trong đó có bia rượu giả được sản xuất theo 'công nghệ' dơ bẩn. Ảnh: Lao động |
Ngay sau khi 4 đối tượng trên bị bắt, từ lời khai của các đối tượng, công an đã bắt đối tượng tổ chức cũng là chủ cơ sở chuyên sản xuất bia giả này là Trần Phú Long (SN 1982, quê tỉnh An Giang). Tại Cơ quan điều tra, Long và đồng phạm khai nhận, đã hoạt động sản xuất bia giả nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng. Long thuê những người cùng quê và bà con họ hàng để làm bia giả với mục đích kín tiếng và tránh bị phát giác.
Tiến hành khám xét cơ sở sản xuất bia giả này, công an thu giữ số lượng lớn tang vật, gồm 6.800 vỏ chai bia các loại, hơn 1.600 chai bia thành phẩm giả các hãng nổi tiếng, 6,8kg nắp chai bia các loại, 1 máy đóng nắp chai, 1 xe tải và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất bia giả.
Trước đó cơ quan điều tra thuộc chi cục quản lí thị trường tỉnh Phú Yên cũng đã phát hiện ổ rượu lậu “khủng” ở khu phố 1 thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa. Từ nguồn tin của người dân, khoảng 18 giờ ngày 5.3, lực lượng liên ngành phát hiện tại nhà bà Huỳnh Thị Pha (54 tuổi) đang tàng trữ một lượng lớn rượu ngâm rắn hổ mang giả, cùng với nhiều rắn sống, rắn cấp đông và các bao rễ cây không rõ nguồn gốc.
|
Hàng loạt chai rượu thuốc giả cũng được bày bán trên thị trường. Ảnh Dân Việt |
Số lượng hàng hóa sau đó được QLTT thống kê gồm: 500 chai rượu rắn ngâm thành phẩm (loại chai dẹt 0,25 - 0,75 lít, không nhãn mác) đang xếp trong hàng chục thùng giấy lớn nhỏ; 19 thùng xô (loại 60 lít/thùng) chứa rắn ráo, rắn nước đã xử lý thành rắn hổ mang; 100kg rễ cây được cho là đẳng sâm không rõ nguồn gốc; 3 tủ rắn cấp đông và 27kg rắn đủ loại còn sống. Thời gian qua, bà Pha được biết đến là một người chuyên thu mua lươn, rắn, ếch… để xuất bán đi nhiều nơi.
Ông Lưu Vĩnh Phương - Đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết thêm, quan sát kỹ phần “bành” trong chai rượu rắn thì dễ dàng phát hiện lấp ló sợi dây thép, dù đã được sắp xếp, ngụy trang bằng các cọng rễ “sâm”. Qua điều tra, có thể khẳng định tại nhà bà Pha là một cơ sở “phù phép” rắn dỏm để làm rượu ngâm rắn hổ mang, rồi đưa đi nhiều nơi tiêu thụ, theo báo Dân Việt.
Theo Vietq