Ngay sau bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc cải tạo Biển Đông khiến an ninh khu vực châu Á bị xói mòn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La (Singapore) đã lập tức lên tiếng bào chữa.
Phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore sáng 30/5 vừa phải nghe nhiều chỉ trích từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter.
"Trung Quốc đã cải tạo hơn 8 km2, nhiều hơn tất cả những nước khác gộp lại... và Trung Quốc làm được điều đó chỉ trong vòng 18 tháng. Hiện chưa rõ Trung Quốc còn định tiến xa bao nhiêu", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Bộ trưởng Carter cho biết Mỹ "quan ngại sâu sắc" về quy mô cải tạo đất và khả năng Trung Quốc quân sự hóa chúng các đảo đang bồi đắp. Những động thái này chỉ làm "gia tăng tính toán sai lầm hoặc xung đột".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 30/5. |
Theo tin tức trên Wall Street Jounal, ông Carter cũng chính thức thông báo Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á, được quốc hội Mỹ tài trợ lên đến 425 triệu USD để giúp các quốc gia trong khu vực xây dựng khả năng an ninh hàng hải.
Ngay sau đó, một thành viên phái đoàn Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng về bài phát biểu của ông Carter.
Theo Reuters, Đại tá cấp cao Zhao XiaoZhuo, từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc ngụy biện rằng, việc chỉ trích Trung Quốc làm ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh khu vực thông qua các hoạt động xây dựng đảo trên Biển Đông là sai.
Ông này cũng bao biện thêm rằng tự do hàng hải ở Biển Đông không phải là vấn đề vì Trung Quốc không làm gì ảnh hưởng đến quyền tự do đó.
Tàu vận tải công trình của Trung Quốc và một số cơ sở phi pháp do nước này xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc xác nhận thông tin Trung Quốc đã điều pháo tới một trong những đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Biển Đông. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain gọi đây là "một bước phát triển leo thang và đáng lo ngại".
Bộ trưởng Carter đang có chuyến công du châu Á dài 11 ngày. Ông lưu ý đến hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và xem an ninh hàng hải là chủ đề chính trong chuyến đi. Trước đó, ông kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền ngừng cải tạo đất và dừng quân sự hóa các đảo.
“Việc Trung Quốc biến các bãi đá ngầm thành sân bay không đủ điều kiện để có được các quyền về lãnh thổ hay hạn chế sự đi lại trên vùng trời và vùng biển quốc tế” - ông Carter khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng những hành động như thế trên Biển Đông đã làm xói mòn lòng tin trong cấu trúc an ninh đặc thù của khu vực, vốn đem lại ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á trong hàng thập kỷ qua.
Sự gia tăng các động thái quyết đoán về tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia phải lên tiếng chỉ trích, phản đối. |
Cũng trong buổi làm việc sáng 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã cảnh báo rằng các dự án bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông đem lại rủi ro đưa khu vực vào tình hình hỗn loạn và kêu gọi ứng xử có trách nhiệm ở vùng biển này.
Ông Nakatani cảnh báo rằng nếu không chú ý đến tình hình, trật tự sẽ sớm chuyển thành hỗn loạn, hòa bình và an ninh sẽ sụp đổ.
Theo Reuters, hiện Nhật Bản đang hướng đến việc đóng vai trò an ninh mạnh mẽ ở ở Biển Đông bằng cách mở rộng tuần tra hàng hải và hàng không.
Các chỉ huy quân đội Mỹ nói họ hoan nghênh những cuộc tuần tra như vậy bởi nó giúp đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Yên Yên (tổng hợp)