Tin mới

TQ rầm rộ điều hàng trăm tàu cá xâm nhập vùng biển đảo Senkaku/ Điếu Ngư

Thứ bảy, 13/09/2014, 09:33 (GMT+7)

Năm 2013, số lượng tàu cá Trung Quốc bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát đi cảnh cáo rời khỏi là 88 chiếc. Đến tháng 9/2014, con số này đã tăng lên 207 chiếc, một tần suất gia tăng chóng mặt mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe không thể coi thường.

Năm 2013, số lượng tàu cá Trung Quốc bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát đi cảnh cáo rời khỏi là 88 chiếc. Đến tháng 9/2014, con số này đã tăng lên 207 chiếc, một tần suất gia tăng chóng mặt mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe không thể coi thường.

Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản ngày 11/9 nhấn mạnh, kể từ khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa đảo Senkaku vào năm 2012, hoạt động xâm phạm của tàu Trung Quốc trở nên thường xuyên với ý đồ thông qua vũ lực làm thay đổi hiện trạng và động thái này chưa từng có dấu hiệu dừng lại.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho rằng, sáng ngày 10/9, 4 tàu cảnh sát biển cùng 8 tàu chính phủ Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Bài báo dẫn phân tích của quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng: "Trung Quốc đặc biệt chú ý đến ngày này, lấy nó để tuyên bố chủ quyền".
Từ tháng 9/2012 đến tháng 9/2013, số tàu công vụ Trung Quốc xâm phạm đảo Senkaku là 216 tàu, nhưng trong 1 năm sau đó chỉ có 101 tàu. Có phân tích cho rằng, đây là do tranh chấp Biển Đông đột ngột nóng lên, tàu Chính phủ Trung Quốc đều đến Biển Đông.

Cũng theo Yomiuri Shimbun, Nhật Bản cho rằng, các số liệu cho thấy, tần suất xuất hiện ở đảo Senkaku của tàu công vụ Trung Quốc giảm đi, nhưng ngư dân Trung Quốc (được cho là dân binh trên biển) ngày càng tới tấp xuất hiện ở vùng biển đảo Senkaku. 

 

Tàu Lực lượng bảo vệ bờ biển ngăn tàu cá Trung Quốc xâm nhập tại vùng biển đảo Senkaku/ Điếu Ngư

Trong năm 2012, số lượng tàu cá Trung Quốc được Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát đi cảnh cáo rời khỏi lãnh hải là 39 chiếc, năm 2013 tăng lên 88 chiếc, từ đầu năm đến ngày 10 tháng 9 năm 2014 đã tăng mạnh lên tới 207 chiếc.

Theo bài báo, "dân binh trên biển" của Trung Quốc được Quân đội Trung Quốc chỉ thị, được đưa đến vùng biển tranh chấp và nhận được phần thưởng. Chính phủ Nhật Bản cho đây là điều đáng lo ngại hơn cả và đang tăng cường cảnh giới đối với vấn đề này. Trong cuộc họp báo ngày 10/9, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, tần suất xâm phạm đảo Senkaku của tàu cá Trung Quốc đang gia tăng, "tình hình không thể coi thường".

Ông còn tuyên bố, đảo Senkaku là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản, điều này không thể nghi ngờ về lịch sử và luật pháp quốc tế, hiện nay nằm dưới sự kiểm soát có hiệu quả của Nhật Bản, xung quanh đảo Senkaku, "không tồn tại vấn đề chủ quyền cần giải quyết".

Tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu leo thang sau khi Tokyo công bố mua lại những hòn đảo từ các chủ sở hữu tư nhân vào tháng 9/2012.

Sau động thái này, những cuộc biểu tình chống Nhật rầm rộ đã diễn ra ở Trung Quốc. Kể từ đó, tàu Trung Quốc gần như liên tục hiện diện gần các đảo tranh chấp và thỉnh thoảng lại ngang nhiên đi vào vùng biển ven bờ quần đảo này.

Ngày 1/7 vừa qua, các chuyên gia vấn đề biển đảo Nhật Bản kiến nghị Tokyo đặt tên hơn 160 hòn đảo vô danh để củng cố chủ quyền. Sau cuộc hội đàm về biên giới biển đảo và các biện pháp xây dựng, giới chuyên gia biên giới, hải đảo Nhật Bản thống nhất gửi kiến nghị chính quyền nước này đặt tên cho 160 đảo vô danh.

Ước tính Nhật có khoảng 280 đảo vô danh đang trong kế hoạch quốc hữu hóa, điều mà Tokyo đã làm với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

 

Yên Yên (Tổng hợp)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news