Tảng đá sa thạch khổng lồ Al Naslaa nằm trong ốc đảo Tayma khô cằn của Arab Saudi. Nó trở thành điểm check-in nổi tiếng và là chủ đề tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Khối đá Al Naslaa cao khoảng 9m, rộng 7,6m và được trang trí bằng một bức tranh khắc đá - một tác phẩm được chạm khắc trên đá hình người đàn ông và con ngựa.
Tảng đá khổng lồ bí ẩn thu hút sự chú ý của mọi người khi nó trông như bị cắt làm đôi bởi một tia laze. Một nhà địa chất nói rằng sự phân chia có thể do thời tiết 'khiến băng tan ra', nhưng những người khác lại cho rằng sự phân chia trơn nhẵn và chính xác như vậy có thể có nguyên nhân tự nhiên.
Trên Reddit, một người bình luận: "Tôi không nói đó là người ngoài hành tinh, nhưng nhất định là do người ngoài hành tinh".
Một người khác đồng tình: "Chắc chắn là do người ngoài hành tinh".
Có người suy đoán sự phân chia được tạo ra khi một người ngoài hành tinh nhầm lẫn "trỏ một tia siêu laze lên hành tinh ngẫu nhiên họ tìm thấy nhưng vô tình cắt tảng đá này làm đôi".
Giả thuyết thứ hai cho rằng các nền văn minh cổ đại đã tiến bộ hơn chúng ta từng nghĩ. Một video YouTube suy đoán rằng tảng đá là bằng chứng của "công nghệ cao" thuở sơ khai.
"Tại sao chúng ta gán cho người ngoài hành tinh? Có hàng núi bằng chứng cho thấy công nghệ cổ xưa đã ở một trình độ đáng kể so với những gì chúng ta nghĩ. Chúng ta không phải ở đỉnh cao công nghệ đầu tiên trong xã hội. Có nhiều khả năng chúng ta đang ở đỉnh cao lần thứ 2", một người dùng Reddit bình luận.
Một người khác đã so sánh tảng đá này với các kim tự tháp Ai Cập cổ đại, được xây dựng cách đây khoảng 4.500 năm. Người này khẳng định sự phân chia khối đá "giống như cách họ cắt các khối kim tự tháp - với một sợi dây và cát".
Một người dùng khác đưa ra giả thuyết vết cắt này được tạo ra bởi một người có "cái cưa và rất nhiều kiên nhẫn".
Một số tài liệu tham khảo về Star Wars cũng được đưa vào cuộc tranh luận. Họ cho rằng có ai đó đã dùng một thanh kiếm ánh sáng (lightsaber) để thử cắt tảng đá.
Nhà địa chất Cherry Lewis nói với MailOnline Travel rằng sự chia tách có thể đơn giản là tác phẩm của Mẹ Thiên nhiên. Ông mô tả sự hình thành bất thường này là một "cảnh tượng đáng chú ý". "Nó có thể hình thành do quá trình phong hóa "đóng băng - tan băng", xảy ra khi nước lọt vào một vết nứt nhỏ trên đá. Khi nhiệt độ giảm xuống, nước đóng băng và nở ra khiến vết nứt ngày càng mở rộng và dài ra", bà giải thích.
"Khi băng tan ra, nước ngày càng tiến sâu hơn vào vết nứt. Quá trình này lặp đi lặp lại trong hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm cho đến khi tảng đá cuối cùng bị tách ra. Quá trình này, cùng với sự xói mòn của gió - trong môi trường sa mạc, giống như phun cát - cũng có thể lý giải cho việc tảng đá tự đứng vững như vậy".
Lewis cho biết "hiệu ứng phun cát cũng có thể tạo ra bề mặt phía trước nhẵn nếu đối mặt với gió thổi".
Mặc dù đưa ra nguyên nhân thời tiết và xói mòn, nhưng Lewis vẫn không loại trừ khả năng tảng đá được con người cắt xẻ tỉ mỉ. Bà nói: "Xét cho cùng, khi các nền văn minh trong quá khứ đã tạo ra Stonehenge và các tác phẩm điêu khắc trên Đảo Phục Sinh bằng những công cụ cơ bản nhất, thì việc tảng đá này là sản phẩm của con người cũng không phải là không thể".
Tại sao bà lại nói vậy? Trong lần xuất hiện đầu tiên, vết nứt trông như nhân tạo bởi bề mặt phía trước rất nhẵn mịn. Tuy nhiên, khi nhìn thấy bức ảnh chụp vết nứt song song ở mặt sau, bà lại nghĩ nó có thể do thiên nhiên tạo thành.
Nhà địa chất và địa vật lý, Giáo sư Tim Reston của Đại học Birmingham cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về sự hình thành kỳ lạ này.
Ông nói với MailOnline Travel rằng sự phân chia là "gần như chắc chắn là một khe nứt, là một vết nứt tự nhiên trong đá xuất hiện do giảm áp và giãn nở, được hình thành khi lớp đá nứt không ngừng và giờ bị lộ ra do xói mòn môi trường xung quanh".
Reston cho biết thêm: "Nếu là một vết nứt, nó có thể có các cấu trúc "plumose" tuyệt đẹp ở cả hai phía của vết nứt – chúng trông giống như những chiếc lông vũ – trừ khi chúng đã bị mở rộng bởi xói mòn do gió".
Khối đá cách Riyadh 8 giờ lái xe và có thể đến được bằng ô tô. Các cuộc khai quật khảo cổ trong khu vực đã phát hiện ra đá lửa có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Giàu lịch sử, Tayma là nơi ở của vua Babylon Nabonidus vào giữa thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Ốc đảo, nằm trên tuyến đường thương mại từ Medina ngày nay đến al-Jawf, sau đó đã trở thành một địa điểm nổi tiếng đối với các nhà buôn.
Dải sa mạc này được Charles M Doughty lập bản đồ vào năm 1877. Ông mô tả chuyến thăm ốc đảo Tayma trong cuốn sách Travels In Arabia Deserta năm 1888 của mình. Khu vực này sau đó đã thu hút nhà thám hiểm người Pháp Charles Huber, người đã đến thăm địa điểm này vào năm 1883.