Liên quan đến vụ tranh chấp khối tài sản 1.000 tỷ của bà bán bún, sau khi TAND TP HCM ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, các anh em ruột của bà đã đến TAND TP.HCM nộp đơn kháng cáo Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND TP.HCM.
Theo tin tức trên báo Lao Động, ngày 14.11, ông Thạch Vũ Phương (em ruột bà bán bún Thạch Kim Phát) cùng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã đến TAND TPHCM nộp đơn kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 1261/2014/QĐST-DS ngày 27.10 của TAND TPHCM giữa nguyên đơn là ông Thạch Vũ Phương (đại diện cho anh em dòng họ) và bị đơn là bà Thạch Hà Huệ Lan (con gái nuôi của bà Phát).
Trong đơn kháng cáo ông Phương trình bày, việc đình chỉ giải quyết vụ án trên của TAND TP.HCM là chưa đúng căn cứ pháp luật, gây thiệt thòi về quyền và lợi ích hợp pháp phía nguyên đơn. Do đó, ông Phương kháng cáo lên tòa phúc thẩm TAND TP.HCM yêu cầu xem xét giải quyết hủy quyết định số 1261 giao về TAND TP.HCM xét xử lại.
Trước đó, sau hơn 2 năm thụ lý giải quyết, và nhiều lần hòa giải không thành, đến ngày 27.10, TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Ngày 7.11, tòa triệu tập ông Nguyễn Tấn Thi - người đại diện theo ủy quyền của ông Phương và trao quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, đến ngày 14.11, tòa vẫn chưa tống đạt trực tiếp quyết định này cho ông Phương và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ông Phương cho biết, ông không đồng ý quyết định đình chỉ này, vì nhận thấy ở cấp tòa sơ thẩm không xem xét kĩ các chứng cứ phía nguyên đơn đã cung cấp và các chứng cứ mà tòa án đã thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời, tòa cũng không xem xét kĩ nội dung khởi kiện, nội dung yêu cầu, chưa được phân định rõ được những nội dung nào thuộc về lập luận và những nội dung nào thuộc về yêu cầu của nguyên đơn. Trong đơn kháng cáo, ông Phương còn cho rằng, có sự nhận định sai về thời điểm mở thừa kế.
Cũng theo ông Phương, ông kiện bà Huệ Lan bởi vì ngôi nhà là tài sản của ba mẹ ông làm ra và để lại, anh em trong gia tộc đã ủy quyền cho bà Phát quản lý, sử dụng vào mục đích kinh doanh của gia tộc. Bởi lẽ, ông Thạch Trúc (ba ông Phương, bà Phát…) đã mất năm 1966 và bà Hà Kim Liên mất năm 1987. Gia đình ông Phát có các anh em gồm 8 người: Thạch Lai Kim, Thạch Kim, Thạch Kim Phát, Hà Kim Hoa, Thạch Vũ Phương, Thạch Vũ Phi, Thạch Vũ Khanh và Hà Xuân.
Trước năm 1975, gia đình đều sinh sống tại số 110/1 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, Q.Tân Phú. Căn nhà này có nguồn gốc do chính ông bà Thạch Trúc và Hà Kim Liên tạo lập theo tờ bán đoạn ruộng đã được vi chứng vào ngày 9.7.1973 và đã cước bộ ngày 16.7.1973. Đến năm 1978, do bà Hà Kim Liên già yếu nên gia đình thống nhất ủy quyền cho bà Thạch Kim Phát quản lý sử dụng nhà đất này. Như vậy, lúc làm giấy ủy quyền, bà Phát độc thân (sau này có giấy chứng nhận độc thân). Trong khi đó, giấy khai sinh của bà Huệ Lan (con nuôi bà Phát) ghi ngày sinh là 26.12.1987.
Điều đó cho thấy, giấy ủy quyền có trước ngày bà Huệ Lan chào đời. Hơn nữa, giấy ủy quyền này còn được UBND phường 20, quận Tân Bình (nay là phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) xác nhận đề ngày 24.3.1987. Đặc biệt quan trọng, trên nội dung giấy ủy quyền có ghi là chỉ cho phép bà Phát quản lý và sử dụng, chứ hoàn toàn không có dòng chữ nào cho phép bà Phát toàn quyền định đoạt mua bán hay cho tặng nhà, đất này.
Phía nguyên đơn còn kháng cáo cho rằng, tất cả các anh chị em ông Phương không có tranh chấp với nhau và không có yêu cầu chia tài sản trên cho từng cá nhân nào. Như vậy là không có sự tranh chấp về thừa kế từ việc bà Liên chết. Nội dung chính mà phía nguyên đơn yêu cầu là không công nhận căn ngà 110/1 Tô Hiệu trên là di sản của bà Phát. Vì theo ông Phương, tài sản đó là do anh chị em ông Phương ủy quyền cho bà Phát. Do đó, không thể nhận định lẫn lộn đây là tranh chấp di sản của bà Liên như nhận định của tòa sơ thẩm trong quyết định đình chỉ.
Đơn kháng cáo của ông Phương (Ảnh báo Phụ nữ TP.HCM).
Về việc cung cấp chứng cứ xác định nhà đất trên do gia tộc ông Phương ủy quyền cho bà Phát quản lý sử dụng vào việc kinh doanh của gia đình, phía nguyên đơn trình bày trong kháng cáo: Những chứng cứ có trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho bà Phát mà tòa án đã thu thập được đã thể hiện rõ, nhưng phía tòa sơ thẩm còn yêu cầu bên nguyên đơn cung cấp văn bản xác nhận đó là tài sản chung chưa chia. Trong khi đó, bà Phát đã chết thì ai ký thỏa thuận đó?- Ông Phương đặt nghi vấn trong kháng cáo.
Nhận định này, theo ông Phương trình bày trong kháng cáo, là sai. Theo ông nhà đất đã có chứng từ sở hữu do bà Phát đứng tên (theo ủy quyền của anh chị em trong gia tộc) nên không có sự tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đất mà yêu cầu phải hòa giải theo quy định của Luật Đất đai. Vì thế, ông Phương kháng cáo rằng, việc đình chỉ giải quyết vụ án là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật. Theo ông Phương, yêu cầu chính trong vụ án này là đòi lại tài sản hiện do bà Lan đang quản lý sử dụng.
Theo gia đình ông Phương, ngoài việc ông cùng gia đình sẽ kháng cáo Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND TP.HCM lên cấp tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, gia đình ông cũng sẽ khởi kiện một vụ án khác, đó là vụ án con nuôi, để tòa án xem xét việc bà Huệ Lan có đủ cơ sở pháp lý là con nuôi của bà Phát hay không.
Trước đó, vào tháng 3/2011, bà Phát mất đột ngột, để lại 100 lượng vàng, một số lượng lớn tiền mặt và 1 triệu USD, nhiều kim cương, 23 cuốn sổ tài khoản (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng). Bà còn đứng tên chủ quyền nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú (TP.HCM), tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... Do trước khi chết, bà Phát không lập di chúc để định đoạt di sản nên các anh em bà Phát không đồng ý cho bà Lan thừa hưởng trọn khối tài sản trên nên đã xảy ra tranh chấp.
Bảo An (tổng hợp)