Các quan chức Triều Tiên thừa nhận sự tồn tại của các trại lao động khổ sai song phủ nhận việc các trại này là nhà tù.
Báo cáo nhân quyền Triều Tiên của Liên hợp quốc
Hôm qua, 7/10, các quan chức Triều Tiên lần đầu tiên công khai thừa nhận sự tồn tại của các trại lao động, một trong những đối tượng bị chỉ trích rất nhiều trong trang 372 báo cáo vi phạm nhân quyền tại quốc gia này của Liên hợp quốc. Động thái này được đưa ra sau cuộc họp cấp bộ trưởng để thảo luận về báo cáo tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 23/9. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi Triều Tiên đóng cửa “hệ thống ma quỷ” của các trại tù này.
Trả lời các phóng viên tại trụ sở Liên hợp quốc ngày hôm qua, một quan chức bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Myong Nam nói rằng: “Không có trại tù nào ở đất nước chúng tôi cả. Ngay cả trong thực tế cũng không có cái gì giống như vậy”. Nhưng ông nói thêm đất nước họ đang điều hành những trung tâm “cải tạo lao động”.
“Trong luật và thực tế, chúng tôi có trung tâm giam giữ nhờ đó mà người dân cải thiện tâm tính của họ, những việc làm sai trái của họ và họ được cải tạo thông qua lao động. Đó là trung tâm. Chúng tôi gọi “cải tạo thông qua lao động” là trung tâm giam giữ”, ông Choe nói.
Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Ri Tong Il dẫn trang 109 của một báo cáo Nghiên cứu Nhân quyền do Hiệp hội Triều Tiên ủy quyền đã ca ngợi Triều Tiên có “hệ thống nhân quyền thuận lợi nhất trên thế giới”.
“Người dân được hưởng các quyền khác nhau, từ tự do chính trị, tự do ngôn luận hội họp, bảo vệ các quyền của người tàn tật, đủ các lĩnh vực”, ông Ri nói.
Tuy nhiên, báo cáo tháng hai của Liên hợp quốc đã đưa ra những chi tiết hoàn toàn khác, chỉ ra “sự triệt hạ, giết người, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, hiếp dâm và cưỡng bức phá thai” trong số những hành vi vi phạm tồi tệ nhất tại Triều Tiên.
Ông Ri cho biết một lãnh đạo hàng đầu của Triều Tiên đã tới thăm trụ sở Liên minh châu Âu (EU) và thể hiện thiện chí đối thoại, với những thảo luận về nhân quyền dự kiến diễn ra trong năm tới.
Bảo Linh/Người đưa tin (tin tức ibtimes)