Tin mới

Trưa nay, hàng vạn tàu cá Trung Quốc ồ ạt tiến ra Biển Đông

Thứ sáu, 01/08/2014, 10:52 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Đúng 12h trưa (11h Việt Nam) hôm nay (1/8), lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông do Trung Quốc đơn phương áp đặt hết hiệu lực, hàng vạn tàu cá nước này sẽ đồng loạt hướng tới Ngư trường Biển Đông đánh bắt. >> Trung Quốc: Mỹ “đừng nhúng tay” vào biển Đông >> Báo Nhật: Cần cảnh giác với "trò chơi mới" của TQ trên Biển Đông

(Tinmoi.vn) Đúng 12h trưa (11h Việt Nam) hôm nay (1/8), lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông do Trung Quốc đơn phương áp đặt hết hiệu lực, hàng vạn tàu cá nước này sẽ đồng loạt hướng tới Ngư trường Biển Đông đánh bắt.

 

Trên trang mạng của Cục hải sự quốc gia Trung Quốc ngày 31/7 đăng tải thông báo số 0168 - năm 2014 với nội dung, kể từ 12h00 ngày 1/8 lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông sẽ chính thức kết thúc, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông được phép ra khơi đánh bắt cá.

Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 31/7 đưa tin, hiện tất cả tàu cá đánh bắt ở Biển Đông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra khơi. Chỉ tính riêng tỉnh Hải Nam- tỉnh có diện tích rộng nhất giáp biển Đông đã có tới 9000 tàu đánh bắt xa bờ đang chờ ‘tiếng còi” kết thúc lệnh cấm, để ồ ạt ra khơi trưa ngày hôm nay.

Lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông do Trung Quốc đơn phương áp đặt có hiệu lực kể từ 12h ngày 16/5, giới hạn thực hiện cấm đánh bắt trên Biển Đông được tính từ khu vực biển có vĩ tuyến 12 độ Bắc đến “giới tuyến giáp khu vực biển Mân Việt” (kéo dài từ Quảng Tây đến Phúc Kiến, bao gồm cả khu vực biển Vịnh Bắc Bộ).

Trưa nay, hàng vạn tàu cá Trung Quốc sẽ ồ ạt ra Biển Đông sau khi hết lệnh cấm

Kể từ năm 1999, Trung Quốc hằng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình - nuốt trọn 80% diện tích Biển Đông, bất chấp phản ứng gay gắt và sự chỉ trích, lên án của các nước xung quanh khu vực.

Lệnh cấm này áp dụng đối với ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước đang có ngư trường ở khu vực Biển Đông. Trong thời gian này, cảnh sát biển Trung Quốc cùng các lực lượng ngư chính, hải giám thường xuyên tăng cường tuần tra trên biển, nếu gặp tàu cá nước ngoài họ thường quấy nhiễu tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu.

Phóng sự điều tra của Reuters hôm 28/7 cho hay, chính quyền Trung Quốc đã trang bị cho các tàu cá một hệ thống định vị bằng vệ tinh rất hiện đại, sử dụng mạng lưới vệ tinh định vị Bắc Đẩu (Beidou) mà Trung Quốc đã phóng lên không gian trong gần hai năm qua. Hệ thống trên tàu lại có tuyến liên lạc trực tiếp với lực lượng tuần duyên Trung Quốc, giúp ngư dân Trung Quốc báo động khi gặp thời tiết xấu hoặc chạm trán với tàu tuần tra của Việt Nam hay Philippines khi đi đánh bắt trong các vùng tranh chấp trên Biển Đông.

Tàu cá vỏ sắt 11202 vào cảng cá Đông Phương ngày 18.6.2014. Đây là con tàu đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ngày 26.5.2014 - Ảnh: Reuters

Theo báo chí chính thức Trung Quốc, đến cuối năm 2013, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu đã được lắp đặt trên khoảng 50.000 chiếc tàu cá Trung Quốc. Chính sách của Bắc Kinh trong lĩnh vực này rất rõ. Tại Hải Nam, cửa ngõ mở ra Biển Đông, các thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc chỉ phải trả tối đa là 10% chi phí mua hệ thống định vị qua vệ tinh này. Phần còn lại do chính quyền bù đắp.

Ngoài vấn đề thiết bị thông tin liên lạc, chính quyền Trung Quốc còn có chính sách hỗ trợ xăng dầu để khuyến khích ngư dân xuống Biển Đông đánh bắt cá. Trả lời nhà báo của hãng Reuters, rất nhiều thuyền trưởng tàu cá tại cảng Đàm Môn (Hải Nam) tiết lộ rằng, chính quyền tỉnh này đã khuyến khích ngư dân xuống đánh bắt cá trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Ông Zhang Jie, Phó giám đốc Cục An toàn Hàng hải Hải Nam, xác nhận thông tin này với Reuters. Không chỉ động viên suông, chính quyền Trung Quốc còn hỗ trợ xăng dầu để các tàu cá có thể đánh bắt xa bờ.

Giáo sư Alan Dupont, chuyên gia về an ninh quốc tế thuộc Đại học New South Wales (Australia) nói rằng: “Rõ ràng là đội tàu cá Trung Quốc được chính quyền nước này động viên và tài trợ để đánh bắt cá trong vùng biển tranh chấp”. Đối với chuyên gia này, việc tung tàu cá xuống lấn chiếm các vùng tranh chấp đã “trở thành một chính sách”, không còn là những quyết định mang tính chất cơ hội. Chính sách đó, theo ông Dupont, xuất phát từ cả các lý do địa chính trị lẫn kinh tế, thương mại.

 

Yên Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news