Tin mới

Báo Nhật: Cần cảnh giác với "trò chơi mới" của TQ trên Biển Đông

Thứ năm, 17/07/2014, 10:57 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Tạp chí Diplomat của Nhật trong bài viết hôm nay (17/7) nhận định, Trung Quốc có thể lùi một bước bây giờ nhưng rất có thể sẽ chơi một trò chơi lâu dài hơn trong tương lai.\nTrung Quốc: Di dời giàn khoan không do "yếu tố bên ngoài"\nThủ tướng Nhật: Việc triển khai quân ở Biển Đông "còn tùy tình hình"\nTrung Quốc di dời giàn khoan, Mỹ nói gì?\n 

(Tinmoi.vn) Tạp chí Diplomat của Nhật trong bài viết hôm nay (17/7) nhận định, Trung Quốc có thể lùi một bước bây giờ nhưng rất có thể sẽ chơi một trò chơi lâu dài hơn trong tương lai.

 

Hôm 16/7, Trung Quốc đã đưa ra một thông báo "gây sốc" khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với Tân Hoa Xã rằng China National Petroleum Corp (CNPC) đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) khỏi vị trí mà nó hạ đặt trái phép từ 2/5 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa.

Theo kế hoạch ban đầu của Bắc Kinh, Hải Dương 981 sẽ hạ đặt (trái phép) trên Biển Đông đến giữa tháng 8. Bởi vậy, việc di chuyển giàn khoan về đảo Hải Nam sớm hơn 1 tháng so với dự định đã đặt ra một số câu hỏi.  

Một chuyên gia năng lượng Trung Quốc trả lời Reuters rằng, thời tiết thuận lợi trong hai tháng qua là nguyên nhân giúp Hải Dương 981 "hoàn thành nhiệm vụ" sớm hơn thời hạn. Một số nhà phân tích khác lại cho rằng, Bắc Kinh đang viện cớ mùa mưa bão nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng với Hà Nội. Trong khi đó, tờ New York Times dẫn lời Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định, chính "phản ứng mạnh mẽ" của Việt Nam đã buộc Trung Quốc phải di dời giàn khoan dầu.

Tạp chí Nhật cảnh báo cần cảnh giác với "trò chơi mới" của Trung Quốc trên Biển Đông

Thời gian hạ đặt và di dời giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cũng gây nhiều tò mò. Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa Việt Nam ngay sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama đến châu Á. Đến nay, Trung Quốc di dời giàn khoan chỉ một tuần sau khi diễn ra Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung. Trung Quốc dường như đang cố chứng minh rằng, học có khả năng vận hành một giàn khoan dầu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác, đồng thời cũng chứng tỏ khả năng chịu đựng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Phó Giám đốc Văn phòng nghiên cứu Chính sách CNPC, Wang Zhen, cho biết, phân tích sơ bộ cho thấy rằng khu vực này có "điều kiện cơ bản và khả năng khai thác dầu khí, nhưng thử nghiệm khai thác không thể bắt đầu trước khi có đánh giá toàn diện của dữ liệu". Như vậy, Trung Quốc đã tự đưa ra một lý do cho quyết định nhưng họ cũng chỉ đề cập một cách mơ hồ về yêu cầu đánh giá dữ liệu. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ đưa giàn khoan trở lại khi có cơ hội.

Việc Trung Quốc đột ngột rút giàn khoan trước lịch trình định sẵn trong hoàn cảnh không có cảnh báo và cũng không công bố phô trương dẫn đến một giả định hợp lý là Trung Quốc đang tìm cách giảm căng thẳng với Việt Nam. Và rất có thể đó là kết quả của áp lực quốc tế với yêu sách ngang ngược đòi đến 90 phần trăm Biển Đông. 

Động thái này của Bắc Kinh cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ dư luận trong nước khi nhiều người cáo buộc Trung Quốc di dời giàn khoan do áp lực của Mỹ. Bởi vậy, khẳng định của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc di dời 981 không do "yếu tố bên ngoài" phần nhiều hướng vào dư luận trong nước hơn là quốc tế.

Trong khi không đưa ra một lý do chính thức cho quyết định này, Tân Hoa Xã cũng ghi nhận rằng các hoạt động kiểm tra không thể được sắp xếp ngay lập tức bởi vì mùa mưa bão đã bắt đầu. Một quan chức ngành công nghiệp với kiến thức về các hoạt động dầu khí nói với Reuters rằng quyết định này là để đưa giàn khoan vào các công việc khác.

Hải Dương 981 - "ván cờ" với nhiều toan tính của Trung Quốc trên Biển Đông và trong khu vực

Điều này xem ra cũng là có cơ sở vì đây là giàn khoan dầu tiên tiến nhất và mới nhất của Trung Quốc với khả năng khoan sâu gấp đôi so với các giàn khoan hiện tại của Trung Quốc.  Trung Quốc cũng đã thu hồi tất cả các tàu khác mà nó sử dụng để bảo vệ các giàn khoan và tuyên bố chủ quyền vùng biển tranh chấp.

Tuy nhiên, quyết định đưa giàn khoan về Hải Nam có thể do áp lực ngày càng lớn trong khu vực. Việc Trung Quốc gần đây đưa yêu sách “đường chín đoạn” để đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và gia tăng áp lực với Việt Nam và Philippines đã trở thành chất xúc tác cho khá nhiều hợp tác an ninh khu vực. 

Đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực là Nhật Bản, đã đưa ra những cơ hội để cung cấp tàu bảo vệ bờ biển và tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước tương ứng. Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu chính của Đối thoại Shangri-La vào cuối tháng 5 khi bị cả Mỹ và Nhật Bản chỉ trích về nỗ lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực quan trọng nhất hiện nay.

Trong khi Trung Quốc dường như đang lùi lại trong lúc này thì cũng rất có thể họ sẽ chơi một trò chơi lâu hơn. Bắc Kinh cho thấy có thể khẳng định ý chí của họ ít nhất là trong quan hệ với một Việt Nam yếu hơn nhiều và hoàn thành mục tiêu bất chấp sự phản đối trong khu vực và cuộc đối đầu hàng ngày. 

Trung Quốc có thể sẽ coi đây là sự thiết lập một tiền lệ thành công, nhờ đó mà họ có thể áp đặt giải thích ranh giới khu vực mà không có một phản ứng dữ dội đáng kể. Thay vì giảm sự quyết đoán, các lãnh đạo Bắc Kinh có nhiều khả năng sẽ xem xét lại các vấn đề như thế này ở thời gian và địa điểm mà họ cho là thích hợp trong tương lai.

Tạm thời, sự cân bằng an ninh khu vực vẫn chưa có thay đổi đáng kể. Nó chỉ thay đổi khi có một sức mạnh cứng từ bên ngoài di chuyển tới vùng này. Nếu không Trung Quốc đã chứng minh nó có đủ tiền để tăng và duy trì áp lực lâu dài trong khu vực.

 

Yên Yên (Lược dịch theo The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news