Chẳng hạn, Cộng hòa Dân chủ Congo hiện không chỉ chiến đấu với Covid-19 mà còn phải chống chọi với Ebola, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.200 người.
Lawrence Gostin, giám đốc Viện Luật sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu O'Neill tại ĐH Georgetown của Mỹ cho biết virus corona sẵn sàng lây lan qua các nước thu nhập thấp có hệ thống y tế yếu như các nước ở châu Phi cận Sahara, tiểu lục địa Ấn Độ và Mỹ Latin. Quyết định ngừng tài trợ của Tổng thống Donald Trump sẽ làm suy yếu khả năng giúp đỡ những nước này của WHO. "Đây không chỉ là nguồn tài trợ mà còn thiếu ỗ trợ chính trị và phải tự bảo vệ mình, bị cuốn vào cuộc đụng độ quyền lực địa chính trị giữa hai nước giàu nhất", Lawrence Gostin nói.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, WHO không chỉ giúp họ ứng phó với Covid-19 mà còn cả dịch Ebola. Ảnh: AFP
Theo truyền thống, Mỹ là nhà tài trợ tài chính lớn nhất của WHO, đóng góp 893 triệu USD vào năm ngoái. Hầu hết số tiền này sẽ được chuyển đến các nước nghèo ở châu Phi, Mỹ Latin và một phần châu Á, nơi hàng triệu người bị mắc các căn bệnh khác nhau.
WHO nhận được tài trợ từ 2 luồng. Khoảng 20% đến từ "các khoản đóng góp định mức" từ các nước dựa trên GDP và dân số. Phần còn lại là các khoản đóng góp tự nguyện. Mỹ là nước đóng góp lớn nhất, chiếm khoảng 15% tổng số, sau đó là Anh và quỹ Bill & Melinda Gates.
Trong giai đoạn tài chính 2018-19, mục tiêu của WHO là gây quỹ 44,4 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đóng góp khoảng 76 triệu USD định mức và chỉ hơn 10 triệu USD đóng góp tự nguyện.
Năm ngoái, Mỹ đóng góp 237 triệu USD định mức và 656 triệu USD tự nguyện cho các chương trình cụ thể của WHO. Hơn 1/3 số tiền này đã được chuyển đến Bắc Phi và khu vực phía đông Địa Trung Hải và chỉ hơn 1/4 được chuyển đến châu Phi cận Sahara.
Khi Mỹ dừng tài trợ, những khu vực trên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu tình hình kéo dài, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến các chương trình thanh toán bệnh bại liệt ở châu Phi cận Sahara và các kế hoạch tiêm chủng mở rộng.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, việc Mỹ cắt tài trợ sẽ ảnh hưởng tới khả năng đưa nhân viên, trang thiết bị y tế, dụng cụ xét nghiệm của WHO tới vùng dịch. Những quốc gia như Congo và Cộng hòa Trung Phi đang gặp nhiều khủng hoảng y tế cũng như nhu cầu nhân đạo vì Covid-19. WHO có vai trò cứu sinh thực sự cần thiết đối với những nước này.
Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO cho biết tác động từ quyết định của Trump sẽ "rất quan trọng trong các lĩnh vực, chẳng hạn như diệt trừ bệnh bại liệt". Trong 2 năm qua, WHO đã nhận được 151 triệu USD đóng góp tình nguyện từ Mỹ để thực hiện hàng loạt chương trình. "Năm nay, chúng tôi đã nhận được 50 triệu từ Mỹ", bà nói. Tuy nhiên, 300 triệu USD là cần thiết để giúp các nước châu Phi ứng phó đầy đủ với đại dịch Covid-19. "Chúng tôi hy vọng việc đình chỉ sẽ được xem xét lại bởi chính phủ Mỹ là một đối tác quan trọng".