Tin mới

Trung Quốc bác 21 cáo buộc, yêu sách Covid-19 từ Mỹ

Thứ hai, 11/05/2020, 11:13 (GMT+7)

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc từ Mỹ nói họ xử lý sai đại dịch Covid-19 và có vấn đề an toàn tại phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán.

Bản bác bỏ được hãng Tân Hoa xã đưa ra sau cuộc khẩu chiến leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng họ có bằng chứng cho thấy sự mất an toàn dẫn đến rò rỉ virus corona gây ra căn bệnh này. Ngày hôm qua, Nhật báo Khoa học và Công nghệ đã đăng bài phỏng vấn với ông Yuan Zhiming, giám đốc viện Virus học Vũ Hán. Trong đó, ông đã phác thảo quy trình bảo đảm an toàn của viện, bao gồm việc sử dụng áp suất âm để ngăn mầm bệnh lây lan ra bên ngoài.

Trên thế giới, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Bắc Kinh điều tra nguồn gốc virus corona và bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng. Báo cáo của Tân Hoa xã cho biết các nhà khoa học đang điều tra nguồn gốc của virus và nói thêm rằng dù ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Vũ Hán nhưng không có nghĩa virus bắt nguồn từ đây. Bài báo còn so sánh với virus HIV lần đầu được xác định tại Mỹ.

Tân Hoa xã cũng đã bác bỏ cáo buộc virus corona được sản xuất trong phòng thí nghiệm Vũ Hán. Nó trích các đánh giá khoa học, tuyên bố virus không phải là nhân tạo và nhấn mạnh không bị rò rỉ một cách tình cờ. Theo bài báo, phòng thí nghiệm virus này liên doanh với Pháp. Các nhân viên của viện đã được đào tạo tại Pháp và Mỹ. "Những trụ sở an ninh sinh học cấp cao như phòng thí nghiệm virus học Vũ Hán đã hoạt động an toàn và ổn định". Bài báo nói thêm rằng viện phòng thí nghiệm không hề biết về virus trước khi nhận được mẫu đầu tiên vào ngày 30/12 và không có ai trong số nhân viên của họ bị nhiễm bệnh.

Trung Quốc bác bỏ yêu sách của Mỹ nói virus Covid-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán. Ảnh: AFP

Bài đăng trên Tân Hoa xã cũng tìm cách bác bỏ 21 cáo buộc từ Mỹ. Nó nói quyết định phong tỏa Vũ Hán ngày 23/1 đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ cho thế giới rằng virus này nguy hiểm. Theo đó, các yêu cầu bồi thường là không có cơ sở pháp lý. "Trung Quốc và Mỹ không có một hiệp ước và thỏa thuận chung về các sự cố y tế công cộng", bài báo nêu lý do.

Trung Quốc đã liên tục bác bỏ những chỉ trích của Mỹ trong thời gian gần đây. Nhưng, các nhà quan sát cho rằng bài phản bác dài lần này là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đang xấu đi nghiêm trọng và có khả năng ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, kể các các cuộc đàm phán thương mại. "Phần nghiêm trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung hiện nay là Chính sách liên quan đến đại dịch và sự cạnh tranh về ý thức hệ", Shi Yinhong, cố vấn chính phủ Trung Quốc và giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân cho biết. "Sự đối đầu là rất căng thẳng và chúng ta không thể thấy trước bất cứ khả năng hạ nhiệt nào".

Bên cạnh việc liên kết dịch bệnh với phòng thí nghiệm, ông Trump và các quan chức Mỹ cấp cao khác cũng cáo buộc Trung Quốc giữ kín thông tin và để dịch leo thang thành đại dịch toàn cầu. Trung Quốc cho biết họ đã chia sẻ thông tin với các nước khác sớm nhất có thể, nói rằng Mỹ đã hành động chậm chạm và tìm cách đổ lỗi khi để dịch lây lan khắp đất nước.

Bắc Kinh còn bác bỏ lời kêu gọi bồi thường trong khi các quan chức Bộ ngoại giao truyền bá giả thuyết virus có thể do quân đội Mỹ mang đến Trung Quốc.

Các quan chức cấp cao của cả 2 nước đã cố giữ những khí cạnh khác trong quan hệ của họ đi đúng hướng, trong đó có các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.

Trong cuộc điện đàm ngày 8/5, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố sẽ tạo ra "những điều kiện thuận lợi để thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1". Thỏa thuận này được đồng thuận hồi tháng 1, theo đó, Trung Quốc hứa mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Shi cảnh báo rằng tác động kinh tế của vụ dịch khiến Trung Quốc khó tuân theo thỏa thuận và điều này càng làm tổn hại đến quan hệ đôi bên. "Trung Quốc không đủ khả năng mua thêm hàng hóa của Mỹ để làm dịu trò chơi đổ lỗi về Covid-19". Ông cho biết Bắc Kinh đã mua 36 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong quý đầu tiên. "Trung Quốc chỉ có thể mua 100 tỷ USD trong năm nay, ngay cả khi họ cố gắng hơn. Dù là về khả năng hay nhu cầu của Trung Quốc, con số trên là không hợp lý".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news