Ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu chủ tịch Interpol hiện đang bị điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ và có thể sẽ bị giam giữ theo hình thức mới tại Trung Quốc.
Tờ Guardian đưa tin cho hay hôm 9/10, Bộ Công an Trung Quốc xác nhận đang tiến hành điều tra cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ với cáo buộc nhận hối lộ cùng một số tội danh khác sau khi ông này trở về nước vào hồi cuối tháng 9.
Những thông tin được cung cấp về vụ việc khá ít ỏi và thông báo của Bộ Công an Trung Quốc cũng không tiết lộ quy trình bắt giữ, khởi tố cũng như nơi mà ông Mạnh đang bị giam giữ.
Cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. Ảnh: AFP |
Theo các chuyên gia và giới phân tích quen thuộc với chiến lược bắt giữ quan chức chính trị của Trung Quốc nhận định ông Mạnh Hoành Vĩ nhiều khả năng đang bị giam giữ theo hình thức rất mới tại Trung Quốc có tên gọi “lưu trí”.
Đây là hình thức do Ủy ban Giám sát Quốc gia, cơ quan có quyền lực rất lớn trong hoạt động điều tra tham nhũng của chính quyền Trung Quốc, áp dụng. Ủy ban Giám sát Quốc gia cũng đang vào cuộc điều tra vụ việc của cựu chủ tịch Interpol.
Theo quy định của "lưu trí", những người bị bắt có thể không được phép tiếp cận hỗ trợ pháp lý hoặc tiếp xúc với các gia đình trong vòng 6 tháng.
Nếu một đối tượng bị bắt giữ theo hình thức “lưu trí”, các thành viên trong gia đình của họ có thể được thông báo trong khoảng thời gian 24 giờ.
"Lưu trí" là hình thức giam giữ cải tiến hơn so với hình thức "song quy" trước đây.
"Song quy" từng là hệ thống xử lý kỷ luật gây tranh cãi trong nội bộ đảng Trung Quốc khi các nghi phạm, thường là các đảng viên và quan chức mắc sai phạm, có thể bị giam lỏng và đối mặt với các biện pháp cưỡng ép để lấy cung.
“Lưu trí là hình thức rất mới, và chúng ta có thể phỏng đoán khá rõ hình thức xét xử mà những người bị bắt giữ phải đối mặt”, Michael Caster thuộc tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders nhận định.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, là quan chức cấp cao nhất nằm trong diện điều tra của Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc - cơ quan siêu quyền lực được thành lập từ tháng 3 năm nay. Các đối tượng mà ủy ban chống tham nhũng này nhắm tới rất đa dạng, từ các bộ ngành chính phủ cho tới các công ty nhà nước và cả những công nhân viên chức Trung Quốc.
“Kể từ khi thành lập, Ủy ban Giám sát Quốc gia vẫn chưa tóm được “con hổ” lớn nào. Vụ bắt giữ ông Mạnh là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy cam kết của Trung Quốc trong việc xóa sổ tham nhũng, ngay cả khi nước này phải đánh đổi bằng việc có thể mất đi vị trí lãnh đạo tại một tổ chức quốc tế quan trọng”, Dimitar Gueorguiev, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse, cho biết.
Nhiều đồn đoán đã được đưa ra về lý do phía sau quyết định bắt giữ ông Mạnh Hoành Vĩ của chính quyền Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng ông Mạnh đã nắm trong tay những thông tin mật trong suốt nhiều năm công tác tại Bộ Công an hoặc có thể liên quan tới vị trí lãnh đạo của ông tại Interpol.
Theo Sophie Richardson, người đứng đầu chi nhánh tại Trung Quốc của tổ chức Giám sát nhân quyền, Bắc Kinh có thể lo ngại rằng ông Mạnh có những thông tin nhạy cảm, do vậy cần tiến hành bắt giữ nhanh chóng để ngăn ông phát tán những thông tin này ra ngoài.
Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Cheng Xiaohe tại Đại học Renmin, mặc dù vụ bắt giữ ông Mạnh Hoành Vĩ có thể "gây tổn hại" cho hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế, song đây cũng là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh “không quan tâm nhiều tới việc giữ thể diện trong các vấn đề liên quan tới chống tham nhũng”.
"Dù cho vụ việc này có thể sẽ hủy hoại hình ảnh quốc tế của Trung Quốc như thế nào đi chăng nữa, đảng và chính quyền Trung Quốc cũng sẽ không mềm mỏng với tham nhũng và sẵn sàng trừng phạt ai đáng bị phạt”, ông Cheng cho biết.
Minh Di (tổng hợp)