Tờ Want China Times của Đài Loan cho biết, những hoạt động "cải tạo, bồi đắp" trái phép không ngừng của Trung Quốc đã biến bãi Đá Chữ Thập vượt đảo Ba Bình, trở thành hòn đảo lớn nhất tại Trường Sa.
Theo tớ này, từ cuối năm ngoái, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tiến hành xây dựng, cải tạo nhiều rạn san hô và đảo nhỏ tại quần đảo Trường Sa, bao gồm bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 đến nay).
Hình ảnh đảo Đá Chữ Thập chụp từ vệ tinh
Loạt ảnh chụp từ vệ tinh đăng trên trang web DigitalGlobe hôm 16/10 cho thấy diện tích đảo Đá Chữ Thập đã lớn hơn rất nhiều so với thời điểm cuối tháng 9 vừa qua với tổng diện tích hiện tại là 0,96km2, tăng hơn 11 lần so với 0,08 km2 trước đây.
Phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đảo Đá Chữ Thập không chỉ trở thành một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Trung Quốc chiếm giữ mà còn cho thấy đảo Đá Chữ Thập đã trở thành đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa, có diện tích vượt qua đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm giữ.
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc gấp rút xây dựng công trình nhân tạo trên đảo này từ năm 2014 gồm đường băng, sân bay và nhiều đường lớn, và dự đoán diện tích đảo Đá Chữ Thập sẽ còn mở rộng khoảng 2 lần nữa cho tới khi hoàn tất công trình.
Theo đánh giá của giới quan sát, Trung Quốc xây dựng mở rộng các công trình trên đảo Đá Chữ Thập để thuận lợi cho việc cải thiện đời sống của người dân ở cái gọi là thành phố Tam Sa cũng như hiện đại hóa sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế của nước này.
Ảnh chụp đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do DigitalGlobe cung cấp hôm 16/10
Đối với Bắc Kinh, Đá Chữ Thập có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng vì trong bán kính 70km không hề có bất cứ căn cứ quân sự nào của đối phương. Rạn san hô này cũng nằm cách Trung tâm chỉ huy của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa khoảng 110km và 225km từ Trung tâm chỉ huy của Philippines.
Tờ báo Đài Loan nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố nước này có quyền thực hiện các hoạt động trên những vùng mà họ tuyên bố lãnh thổ, đồng thời quân đội Trung Quốc cho rằng các nước láng giềng 'không có quyền bình luận về các hoạt động xây dựng'.
Theo Want China Times, hiện nay có 4 đường băng trên quần đảo Trường Sa bao gồm Đảo Ba Binh do Đài Loan chiếm giữ của Việt Nam, ngoài ra là đường băng trên đảo Trường Sa lớn của Việt Nam, trên Đá Hoa Lau do Malaysia chiếm giữ và trên Đảo Thị Tứ do Philippines chiếm giữ.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì vậy, mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Yên Yên (Nguồn: Want China Times)
Theo Người đưa tin