Tờ SCMP của Hong Kong đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới đựng vừa một container chở hàng và có thể đưa ra Biển Đông trong 5 năm tới.
Trung Quốc có thể đang xây nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới và đưa ra Biển Đông trong vòng 5 năm tới. Ảnh minh họa: SCMP |
Trong bài viết "Could China build the world’s smallest nuclear power plant and send it to the South China Sea?" đăng tải ngày 11/10, tờ báo Hong Kong cho biết Phân viện công nghệ năng lượng hạt nhân an toàn (trụ sở tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đang phát triển hệ thống điện hạt nhân mini.
Lò phản ứng hạt nhân siêu nhỏ này có thể đưa vào một container có kích cỡ 6,1m dài và 2,6m cao nhưng có thể tạo ra 10 megawatt nhiệt, và nếu đổi thành điện thì sẽ đủ cho 50.000 hộ gia đình.
Nó cũng có khả năng vận hành trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ mà không cần tiếp nhiên liệu. Do không tạo ra điện hoặc khói nên nó khó bị phát hiện ngay cả khi được đặt trên một đảo nhỏ.
Theo dự kiến, dự án do quân đội tài trợ này sẽ sớm hoàn thành và được triển khai trong vòng 5 năm tới.
SCMP đưa tin công nghệ mà Trung Quốc sử dụng tương tự như lò phản ứng nhiệt làm nguội bằng chì được quân đội Liên Xô sử dụng cho các tàu ngầm hạt nhân vào những năm 1970. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước đầu tiên sử dụng công nghệ này trên mặt đất.
Mặc dù lò phản ứng này có thể tạo ra lượng điện năng lớn đủ để khử muối tạo nước ngọt cung cấp cho các đảo thì nó cũng gây ra những quan ngại về vấn đề môi trường. "Nhà máy điện di động" này nếu gặp vấn đề, lượng chất thải phóng xạ của nó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các nước trong khu vực mà còn lan ra khắp thế giới thông qua các dòng hải lưu.
Theo một chuyên gia môi trường tại Đại học Đại dương Trung Quốc ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nếu bị rò rỉ phóng xạ, nó có thể gây hậu quả khôn lường: "Nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra ở Biển Đông, nó sẽ không có hậu quả ngay lập tức với mọi người ở đại lục Trung Quốc do khoảng cách xa. Nhưng các chất thải phóng xạ sẽ xâm nhập vào cá và sinh vật biển trước khi hiện diện trên bàn ăn của con người. Dòng hải lưu cũng có thể mang chúng đi xa".
Ngoài nhà máy điện hạt nhân siêu nhỏ này, Trung Quốc trước đó từng cân nhắc việc xây nhà máy điện nổi để cung cấp điện cho các công trình phi pháp tại Biển Đông.
Bảo Linh (tổng hợp)