Trả lời phỏng vấn News18, một chi nhánh của CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết có "số lượng đáng kể" quân đội Trung Quốc đã tới Đường kiểm soát Trung - Ấn (LAC). "Đúng là người dân Trung Quốc đang ở biên giới. Họ tuyên bố đó là lãnh thổ của họ. Chúng tôi tuyên bố đó là đất của chúng tôi. Đã có sự bất đồng về vấn đề này... Ấn Độ đã làm những gì cần làm", ông Singh nói trong buổi phỏng vấn. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nói thêm rằng các cuộc đàm phán cấp cao giữa 2 nước sẽ được tổ chức vào ngày mai, 6/6. "Chúng tôi không muốn bất cứ quốc gia nào phải cúi đầu trước mình, và chúng tôi cũng sẽ không cúi đầu trước bất cứ ai".
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh. Ảnh: CNN
Ấn Độ và Trung Quốc có chung một trong những đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới. Năm 1962, 2 nước đã nổ ra cuộc chiến biên giới Himalaya đẫm máu. Căn thẳng tiếp tục bùng phát một cách rời rạc trong những thập kỷ sau đó.
Tháng trước, một cuộc giao tranh xuyên biên giới gay cấn đã nổ ra giữa lực lượng của Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả khiến một số binh sĩ bị thương. Vụ việc đã được theo dõi trong những tuần gần đây mặc dù không bên nào công khai thừa nhận điều khác thường. Ngày 1/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng tình hình tại biên giới là "ổn định và có thể kiểm soát". "Hai bên có thể giải quyết các vấn đề liên quan thông qua cơ chế và kênh ngoại giao liên quan đến biên giới", ông nói.
Những bình luận của Triệu Lập Kiên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tờ Hoàn cầu Thời báo đăng bài viết về hàng loạt các vũ khí quân sự mới có thể triển khai đến khu vực "xung đột ở vùng cao" như biên giới Himalaya. "Quân đội quốc phòng Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới và thực hiện những động thái cần thiết để đáp trả việc xây dựng các cơ sở quốc phòng bất hợp pháp gần đây của Ấn Độ bên phần lãnh thổ Trung Quốc tại khu vực thung lũng Galwan hồi tháng 5", bài báo viết.
Đường Kiểm soát Thực tế
Năm 1993, sau nhiều năm đàm phán và ngưng trệ về vấn đề lãnh thổ, cuối cùng, Trung Quốc và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận để cố gắng đánh dấu biên giới giữa 2 nước. Biên giới đó hiện có tên là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) nhưng vị trí chính xác của nó có thể bị mờ và vẫn còn là nơi tranh chấp giữa 2 nước.
Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao cho biết trên tài khoản Twitter chính thức của bà rằng Delhi và Bắc Kinh thậm chí còn không thể thống nhất về độ dài biên giới giữa 2 nước. "Biên giới Trung Quốc và Ấn Độ dài 3.488km. Nhưng theo định nghĩa của Trung Quốc, biên giới Trung - Ấn dài khoảng 2.000km", bà nói. Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về vấn đề này. "Thực ra không có đường kiểm soát thực tế nào dọc biên giới Trung - Ấn được cả 2 bên công nhận", tờ Hoàn cầu Thời báo ngày 25/5 viết.
Lần cuối cùng cang thẳng biên giới gia tăng là vào năm 2017 khi quân đội tập trung quanh cao nguyên Doklam. Đây là dải đất đang tranh chấp nằm giữa ngã 3 Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Mặc dù không phải là lãnh thổ của Ấn Độ nhưng khu vực này nằm gần "cổ gà", một hành lang chiến lược đóng vai trò là động mạch quan trọng giữa Delhi và các bang phía đông bắc.
Bhutan cáo buộc Trung Quốc xây dựng một con đường bên trong lãnh thổ của mình. Phía Bắc Kinh thì đã phủ nhận vấn đề này. Khi đó, Ấn Độ đã ủng hộ các tuyên bố của Bhutan và điều này dẫn đến sự bế tắc trong nhiều tháng với 5 cuộc tập trạn bắn đạn thận của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại biên giới.