Việc một máy bay Trung Quốc trắng trợn bay sát máy bay do thám Mỹ ở biển Hoa Đông hồi tuần trước chỉ là tín hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh hướng tới rủi ro, sẵn sàng phá hủy cả uy tín trong khu vực cũng như sự ổn định kinh tế để mở rộng được các tuyên bố của mình tại châu Á.
Bài bình luận với tiêu đề "More Trade Won't Stop China's Aggression" đăng trên tạp chí National Interest của Mỹ nhận định Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi cả uy tín trong khu vực cũng như sự ổn định kinh tế để mở rộng các tuyên bố của mình tại châu Á.
Các nhà quan sát phương Tây đã không từ bỏ hy vọng từ lâu đó là sự liên kết kinh tế toàn cầu của Trung Quốc sẽ hạn chế khuynh hướng xung đột quân sự của họ. Nhưng trong thực tế, trong khi sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc tăng lên, Bắc Kinh đã cho thấy sự chịu đựng rủi ro gia tăng cũng như tăng khả năng chiến tranh trong tương lai.
Trung Quốc đã nhiều lần quấy rối Indonesia, Việt Nam và Philippines tại vùng biển của các nước này; tuyên bố rằng công dân Trung Quốc đã đánh bắt ở đó "từ thời cổ đại", cho họ quyền để hoạt động tại vùng biển rộng lớn. Việc xây đảo ở những rạn san hô là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm khẳng định sự thống trị tại Biển Đông.
Việc suýt va chạm giữa chiến đấu cơ Trung Quốc và máy bay do thám Mỹ hồi tuần trước theo sau một loạt các cuộc chạm trán nguy cơ cao, nguy hiểm. Chỉ mới tháng trước, máy bay Trung Quốc bay cách máy bay do thám EP-3 của Mỹ khoảng 15m trên Biển Đông.
Những liên kết thương mại không thể ngăn Trung Quốc hung hăng trong khu vực. Ảnh minh họa: Defence Images |
Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, bình luận: "Rõ ràng là sự chịu đựng nguy cơ của Trung Quốc đã tăng lên trong những năm qua và vẫn còn cao, nhưng may mà nó vẫn thấp hơn mức có thể gây chết người". Bất chấp sự tiến bộ cấp cao giữa Bắc Kinh và Washington về Bộ quy tắc ứng xử cho những chạm trán ngoài ý muốn trên biển (Code for Unplanned Encounters at Sea - CUES) trong những năm gần đây, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể đang thử giới hạn chiến lược đối với sự kiên nhẫn của chính quyền Obama.
Ông Poling nói thêm: "Điều đáng lo ngại nhất đối với tôi đó là mất chưa tới 6 tháng để Bắc Kinh vi phạm thêm CUES mà Tổng thống Obama và ông Tập Cận Bình đã ký trong chuyến thăm tới Washington DC. Điều này cho thấy không có gì là khó khăn khi chúng ta cố gắng, Trung Quốc không sẵn sàng để hành vi của họ tại Biển Đông ràng buộc trong bất cứ hình thức nào kể cả những quy tắc và thỏa thuận song phương".
Việc Trung Quốc đột nhập vào Hoa Đông và Biển Đông có phải là tín hiệu cho thấy rõ ràng là Bắc Kinh đang săn tìm sự thống trị tại khu vực và không thể tránh được gia tăng căng thẳng với các cường quốc Thái Bình Dương khác? Sự khiêu khích ngày càng mạo hiểm sẽ dẫn tới xung đột quân sự khi Trung Quốc tiếp tục củng cố các yêu sách của mình? Hay là sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với thương mại toàn cầu để tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ ngăn cản chiến tranh trong tương lai gần?
Quá khứ đã nhiều lần chứng minh sai lầm của những người cho rằng sự kết nối kinh tế của một cường quốc đang trỗi dậy sẽ ngăn ngừa cuộc xung đột không thể tránh. Các nhà lý luận theo chủ nghĩa hòa bình (Peacenik) trước Thế chiến II đã phát biểu rằng mức độ kết nối trong các thị trường toàn cầu đã trở nên lỗi thời trong cuộc chiến của siêu cường ở thế kỷ 18 và 19.
Tương tự, trong giai đoạn giữa các cuộc chiến trước khi nổ ra Thế chiến II, những người ủng hộ sự thỏa hiệp vô nguyên tắc cho rằng nước Đức quân sự hóa sẽ không đe dọa đến hòa bình châu lục do quan hệ kinh tế sâu sắc của họ với phần còn lại của châu Âu. Rõ ràng, cả 2 trường phái tư tưởng đều đánh giá quá cao khả năng của kết nối kinh tế toàn cầu trong việc ngăn chặn sự xâm lược quân sự.
Điều gì đã khiến các học giả nghĩa rằng Trung Quốc sẽ khác biệt trong ngày nay? Dĩ nhiên, quy mô xâm nhập vào các thị trường toàn cầu đã tăng lên, sự ràng buộc với các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ cũng như các nhóm khu vực như ASEAN, chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Nhưng cũng giống như những người ủng hộ hòa bình đã sai lầm trong thế kỷ 20, tiếng vọng của quá khứ có thể được lĩnh hội tại châu Á và châu Âu ngày nay.
Mặc dù phụ thuộc vào EU để xuất khẩu khí đốt, Nga vẫn sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tương tự như vậy, sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga cũng không ngăn EU đưa ra các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Sự thúc đẩy của chủ nghĩa dân tộc thường là át chủ bài trong sự cân nhắc kinh tế. Về mặt khác, nó cũng thúc ép những người cầm quyền hướng tới sự tiết chế.
Cũng như người dân Trung Quốc được dạy từ bé về "thế kỷ bị sỉ nhục" dưới bàn tay của đế quốc phương Tây, người Nga được giáo dục rằng sự thống trị của phương Tây đã ngăn Nga có được quyền lực thế giới lớn hơn mà họ đáng được nhận.
Tương tự, mặc dù Bắc Kinh đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn khắp Đông Nam Á và theo thỏa thuận thương mại tự do đạt được với 16 nước thành viên (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), hành vi của Bắc Kinh cho thấy họ sẽ ưu tiên lợi ích an ninh hơn so với hội nhập kinh tế, hòa bình và ổn định.
Những sự kiện cụ thể chỉ ra rằng sự gia tăng sức mạnh kinh tế phù hợp với quân sự của Trung Quốc sẽ cho phép họ thực thi quyền lực lớn hơn tại "sân sau" của mình và trên trường quốc tế. Những yếu tố này đủ cho Đảng cộng sản Trung Quốc có thể mạo hiểm cả danh tiếng lẫn kinh tế để đạt được mục tiêu an ninh quốc gia của mình.
Trung Quốc đã thể hiện khả năng chia rẽ ASEAN của mình sao cho phù hợp với mục đích của họ. Trong năm 2012, khi Campuchia làm chủ tịch ASEAN, căng thẳng tại Biển Đông trở nên gay gắt tới mức nhóm này không đưa ra được tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi được thành lập năm 1967. Đối mặt với hàng loat jcacs áp lực ngoại giao từ phía Bắc Kinh, 10 nước thành viên không thể đồng ý được việc có nên đề cập tới bãi cạn Scarborough - nơi tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc - hay không.
Tương tự, Bắc Kinh đã làm suy yếu sự đoàn kết của ASEAN trong tháng 4/2016 khi tuyên bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Campuchia, Brunei và Lào - trước sự ngạc nhiên của các nước khác - rằng tranh chấp Biển Đông không gây nguy hiểm cho quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
Mỹ chống đỡ ở trung tâm ASEAN, như một bức tường chiến lược chống lại những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đơn phương áp đặt chuyện đã rồi. Với những lý do riêng của mình, Bắc Kinh thích giải quyết các bên có yêu sách ở ASEAN từng nước một để làm giảm khả năng nhóm thống nhất chống lại lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Satu Limaye, giám đốc Trung tâm Đông - Tây tại Washington từng viết: "Thay vì là một nền tảng để quản lý hợp tác song phương và đa phương giữa các nước thành viên, ASEAN có thể trở thành một đấu trường, nơi sự hợp tác đa phương và song phương bị tranh chấp". Khi 2 siêu cường tranh nhau giành ảnh hưởng trong khu vực ASEAN, Trung Quốc đã chứng minh được khả năng sử dụng cả sự quyến rũ lẫn những lời đe dọa để đạt được lợi ích của mình.
Hơn nữa, như Nick Bisley đến từ ĐH La Trobe viết: cho dù cách hành xử của Trung Quốc và Mỹ pha trộn Chính sách ngăn chặn với sự thuyết phục kiểu răn dạy, "còn lâu mới thấy Trung Quốc có thể bị kiềm chế hay dọa nạt để quy phục". Cuối cùng, "2 cường quốc lớn của khu vực có những tầm nhìn không thể hòa hợp cho tương lai của châu Á".
Nếu đúng như thế, sự bất ổn còn lớn hơn khi mà những khác biệt về lợi ích không chỉ thể hiện trong những cuộc đối đầu trên không, trên biển mà còn có cả va chạm trong tầm nhìn cho kiến trúc an ninh và kinh tế châu Á. Kết quả là sẽ tạo ra nhiều tổn thất cho các nước liên quan.
Bảo Linh (National Interest)