Một trong những chuyên gia hàng đầu Trung Quốc thừa nhận Bắc Kinh không nên đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới tại Biển Đông.
Một chiến đấu cơ Trung Quốc bay gần máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ trên Biển Đông |
Theo tin tức từ The Diplomat, nhận định này được chuyên gia Trung Quốc Wu Sichun đưa ra tại một hội nghị ở Mỹ. Trung Quốc nên tránh điều này để giảm bớt căng thẳng tại khu vực.
Trước những mối quan ngại ngày một tăng về hoạt động cải tạo đất rộng lớn và đẩy mạnh quân sự hóa các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, một vài người lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ sớm áp đặt một ADIZ tại Biển Đông, tương tự như những gì họ đã làm tại biển Hoa Đông vào tháng 11/2013. Một ADIZ - có hiệu quả mở rộng không phận Trung Quốc và áp đặt các hạn chế lên những máy bay bay qua khu vực - sẽ là động thái mới nhất trong chuỗi các hành động quyết đoán của Trung Quốc nhằm tăng cường chủ quyền tại vùng biển.
Nhưng, trong một hội nghị ở Washington D.C, khi được hỏi Trung Quốc nên và không nên làm gì tại Biển Đông, ông Wu Sichun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không nên đơn phương tuyên bố một ADIZ. Ông Wu cho rằng không làm vậy sẽ là một trong những cách để Trung Quốc báo hiệu sự kiềm chế và giảm căng thẳng ở Biển Đông.
"Trung Quốc không nên cố gắng đơn phương tuyên bố một ADIZ", ông Wu nói sau khi có bài thuyết trình tại hội nghị kéo dài 1 ngày tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược.
Khuyến nghị của ông Wu bắt nguồn từ một "danh sách những điều nên và không nên" mà ông đưa ra cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc tại Biển Đông. Khi các phóng viên của The Diplomat muốn làm rõ cụ thể cái gì là "không nên" đối với Trung Quốc, ông Wu đã đưa ra một loạt đó là: không tuyên bố ADIZ, bảo vệ tự do hàng hải và tăng tốc để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Việc xây dựng đảo nhân tạo và sự chậm trễ để đạt được một COC của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại trong khu vực và cộng đồng quốc tế rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục quyết đoán tại Biển Đông nói riêng và trong các ý định của họ nói chung.
Về phía Mỹ, ông Wu cho rằng Washington không nên cố gắng kiềm chế Trung Quốc và nên có lập trường thực sự trung lập về vấn đề này. Ông nói rằng Mỹ nên tiếp cận Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông theo cách "tôn trọng lẫn nhau" và cả 2 bên cần tiến tới hợp tác quân sự theo tinh thần này.
Ngoài "danh sách nên và không nên" này, ông Wu cũng đề nghị có một cơ chế khu vực để tham vấn cho các vấn đề hàng hải. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể là cách này sẽ phù hợp như thế nào khi mà có rất nhiều tổ chức tại châu Á có thể giải quyết được vấn đề an ninh hàng hải như: Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, và mới hơn, hẹp hơn là Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng.
Ông Wu cũng kiên quyết loại bỏ những gì ông coi là sự can thiệp của Nhật Bản tới tranh chấp Biển Đông. Ông nói rằng điều này chỉ góp phần làm tình hình xấu đi.
Bảo Linh (Theo The Diplomat)