Mỹ không nên quyết định Chính sách về Biển Đông dựa trên những gì mà đồng minh của họ nghĩ mà hãy giữ lời hứa không đứng về phía nào trong tranh chấp này, một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc nói trước hội đàm an ninh Trung - Mỹ.
Các tàu nạo vét của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc đã nổi giận trước các cuộc tuần tra quân sự của Mỹ khi tiến sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép trên Biển Đông. Những cuộc tuần tra này bị Trung Quốc coi là "khiêu khích" nhưng Mỹ nói đó là để bảo vệ tự do hàng hải.
Trung Quốc đòi yêu sách với phần lớn Biển Đông, tuyến đường biển có trị giá thương mại lên đến 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có các tuyên bố chồng chéo.
Phát biểu tại một diễn đàn trước các cuộc họp cấp cao với quan chức Mỹ ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói rằng nước ông có mọi quyền để bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải tại Biển Đông.
"Trong thực tế, Mỹ không phải là nguyên đơn trong tranh chấp Biển Đông và họ đã nói mình không có vị trí nào trong các tranh chấp lãnh thổ này", ông Trịnh nói.
"Vì vậy, chúng tôi hy vọng Mỹ có thể giữ lời hứa và không chọn bên nào, nhưng có thể đưa ra các quan điểm dựa trên những quyền và những sai trái của vụ việc chứ không phải bất cứ nước đồng minh nào".
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng nếu Mỹ làm được như vậy thì họ có thể đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, thúc đẩy hạ nhiệt căng thẳng.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sẽ đưa ra vấn đề này trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Biển Đông cũng được cho là sẽ phủ bóng hội nghị thượng đỉnh an ninh lớn nhất châu Á, bắt đầu vào ngày mai, 3/6 tại Singapore. Trung Quốc sẽ cử một đô đốc cấp cao tham gia diễn đàn lần này.
Tháng trước, Bắc Kinh đã yêu cầu Mỹ chấm dứt giám sát gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông sau khi 2 chiến đấu cơ nước này bị Lầu Năm Góc "tố" đánh chặn "không an toàn" trước một máy bay do thám Mỹ.
Bảo Linh (Reuters)