Trang Ewordship (Vận tải biển Trung Quốc) hôm qua 30/6 đưa tin, chính phủ Trung Quốc chuẩn bị đưa 1 tàu du lịch 3 tầng hạng sang vào sử dụng trong tuyến du lịch phi pháp của nước này ra quần đảo Hoàng Sa (thuộc quyền sở hữu của Việt Nam).
Tàu du lịch 3 tầng mang tên "Giấc mộng Nam Hải" (tên mà Trung Quốc dùng để gọi Biển Đông-Việt Nam) do Công ty du lịch tàu biển Nam Hải vận hành. Tàu được chế tạo từ năm 2011 với chi phí khoảng 77,8 triệu USD. Tàu được thiết kế với chiều dài khoảng 167,5m; chiều rộng là 25,2m với lượng choán nước là 23.000 tấn. Với diện tích khổng lồ, "giấc mộng Nam Hải" có thể chở tối đa 1.400 hành khách; với nội thất sang trọng và đầy đủ tiện nghi như phòng chiếu phim, phòng karaoke.
Theo dự định, con tàu này sẽ được đưa vào phục vụ cho các chuyến du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 15/7. Theo đó, tour du lịch trên chuyến tàu này sẽ kéo dài 3 ngày 4 đêm, và địa điểm của tour du lịch phi pháp này là đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nếu suôn sẽ, mỗi tháng con tàu này sẽ thực hiện khoảng 4 đến 6 chuyến du lịch trái phép tương tự như vậy.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối quyết liệt đối với việc mở các tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) của Trung Quốc, và kiên quyết yêu cầu Bắc Kinh cần tôn trọng chủ quyền lãnh thổ trên biển của Việt Nam.
Con tàu Trung Quốc chuẩn bị sử dụng trong tuyến du lịch phi pháp ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: zgsyb.com. |
Trước đó, hôm 20/6, Tập đoàn vận tải biển COSCO của Trung Quốc đã lên kế hoạch mở các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng tới. Tuyến du lịch phi pháp này sẽ bắt đầu cuộc hành trình từ thành phố Tam Á, đông nam Trung Quốc tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. COSCO rêu rao, việc phát triển các dịch vụ du lịch tại khu vực Biển Đông là một phần trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Đáp trả hành động ngang ngược này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 24/6 tuyên bố, "Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa". Ông Lê Hải Bình cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc khi đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi đá, đảo nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa hay tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa; đồng thời nhận định đây là những hành động phi pháp, và xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng.
Ông tuyên bố, Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Nghiêm Thu