Việc Philippines gia cố tàu chiến cũ nát tại Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông đã khiến Trung Quốc nổi giận.
Thông tin củng cố lại con tàu rỉ sét mắc kẹt trên bãi Cỏ Mây được Philippines đưa ra sáng 15/7. Đến chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản hồi gay gắt.
“Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo tại quần đảo Trường Sa trong đó có Bãi Cỏ Mây. Trung Quốc bày tỏ sự phản đối gay gắt và kiên quyết phản đối hành động này của Philippines”, bà Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao nước này.
Phát ngôn viên Hoa còn nhức lại vụ chiến hạm Philippines neo đậu tại bãi san hô này với lý do bị mắc kẹt vào năm 1999. "Năm 1999, một chiếc tàu quân sự của Philiipines mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây nhưng Manila lấy lý do để duy trì tiền đồn quân sự phi pháp tại đó. Sau này, Bắc Kinh liên tục yêu cầu Manila kéo chiếc tàu này ra khỏi Bãi Cỏ Mây, nhưng phía Philippines không những không kéo mà bây giờ còn tiến hành gia cố sửa chữa chiếc tàu này nhằm ý đồ chiếm vĩnh viễn Bãi Cỏ Mây”.
Theo tin tức từ Reuters, hải quân Philippines đang lặng lẽ sửa chữa lại phần thân và boong chiếc tàu rỉ sét mắc cạn trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1999 để ngăn nó bị tan vỡ.
Hai quan chức bên trong chiếc tàu cho Reuters hay, các tàu cá bằng gỗ và các máy bay nhỏ, hải quân Philippines đã di chuyển xi măng, sắt thép, dây cáp, các thiết bị hàn đến đây từ cuối năm ngoái.
Tàu đổ bộ xe tăng BRP Sierra Madre. Ảnh: Reuters |
Chiếc tàu đổ bộ xe tăng BRP Sierra Madre dài 100 mét của Hải quân Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II sau đó đã được giao cho hải quân Philippines và được đặt một cách có chủ ý trên bãi Cỏ Mây (Bãi Second Thomas Shoal) nhằm thể hiện hiện diện của Manila ở khu vực thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Một nhóm nhỏ các binh sĩ Philippines đang đóng trên tàu này.
Ngoài vai trò là một tiền đồn quân sự, BRP Sierra Madre trên danh nghĩa là một tàu hải quân đang phục vụ trong hải quân Philippines. Tức là nước này có thể yêu cầu Mỹ hỗ trợ trong trường hợp tàu bị tấn công, theo các điều khoản trong một hiệp ước an ninh được ký giữa hai nước nhiều thập niên trước, một số quan chức quân đội Philippines cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, việc sửa chữa và bảo trì các thiết bị hiện hành là được phép... đặc biệt nếu việc sửa chữa và bảo trì này để đảm báo cho sự an toàn của các nhân viên và an toàn hàng hải."
Bảo Linh (Tổng hợp)