Theo các chuyên gia, kế hoạch triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD tại bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc sẽ tạo ra một tình thế khó xử trong ngoại giao với Trung Quốc, đặc biệt là khi họ phải đối mặt với một Triều Tiên ngày càng hiếu chiến.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - người đã dành rất nhiều thời gian tại diễn đàn các ngoại trưởng của ASEAN tại Lào để cố giới hạn những thiệt hại cho Bắc Kinh sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông - đã tổ chức các cuộc họp song phương bên lề với những người đồng cấp của cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên.
Ông Vương đã nói với người đồng cấp Hàn Quốc, ông Yun Byung-se rằng việc triển khai này không chỉ đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà còn là một vấn đề chiến lược. Và, nó sẽ tác đọng tiêu cực đến tình hình bán đảo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trên website của mình.
Động thái này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực và quan hệ giữa Bắc Kinh - Seoul, ông Vương cho biết.
Lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho và đảm bảo rằng Bắc Kinh - Bình Nhưỡng sẽ vẫn duy trì quan hệ bạn bè truyền thống và Trung Quốc cam kết giải quyết các vấn đề tại bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán.
Trong tháng này, Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa Phòng thủ khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) - một động thái bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ do những quan ngại an ninh sâu sắc rằng những thông tin về các cơ sở quân sự của họ có thể bị hệ thống radar của vũ khí này thâm nhập dễ dàng.
Sẽ đáp trả Hàn Quốc nhưng không mạnh tay
Tuy nhiên, Seoul và Washington cho biết việc triển khai này không phải là nỗ lực phá rối Bắc Kinh mà đơn giản là bảo vệ Hàn Quốc khỏi những mối đe dọa ngày một tăng từ Bình Nhưỡng.
Nhiều người tin rằng việc triển khai tên lửa này sẽ khiến Trung Quốc xem xét lại Chính sách của mình với cả 2 miền Triều Tiên.
Có những quan ngại rằng quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và Seoul có thể xoay chiều từ thân mật sang lạnh nhạt - đặc biệt sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không tương tác công khai tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu ở Mông Cổ trong tháng này.
Các chuyên gia tại Hàn Quốc và Trung Quốc đã dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ không áp đặt bất cứ lệnh trừng phạt kinh tế lớn nào lên Seoul bởi điều này gây tổn hại cho nền kinh tế cả 2 - đặc biệt là ở thời điểm khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Tuy nhiên, Sun Xingjie, một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại ĐH Cát Lâm cho rằng đối với Bắc Kinh, việc triển khai hệ thống tên lửa này đã "chạm tới đáy" trong các điều khoản cân bằng địa chính trị tại bán đảo này.
Điều đó có nghĩa là "Trung Quốc sẽ muốn làm tổn thương Hàn Quốc thông qua một số biện pháp kinh tế, ví dụ như khi nói đến việc thực hiện một số thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hàn Quốc", ông Sun nói.
Liên quan đến quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng, các chuyên gia cho rằng việc triển khai tên lửa theo kế hoạch không nhất thiết đẩy Trung Quốc gần lại Triều Tiên.
Ông Woo Jung-yeop, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul cho rằng nếu quan hệ Trung - Triều gần gũi hơn, nó sẽ thúc đẩy liên minh quốc phòng Mỹ - Hàn - Nhật, và đây chắc chắn là điều mà Trung Quốc không muốn xảy ra.
Khi Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn còn có nhiều điểm chung, đặc biệt là những vấn đề về Triều Tiên, cả 2 cường quốc vẫn cần đối thoại, ông Woo nói.
"Họ sẽ tìm một thời điểm và mối quan hệ có vẻ không quá thân mật giữa 2 nước sẽ sớm kết thúc".
Evans Revere, một học giả tại viện Brookings, Mỹ nói: "Áp lực liên tục và mối đe dọa từ phía Trung Quốc chỉ khơi dậy sự nghi ngờ (từ phía Hàn Quốc) à phá hoại sự ổn định trong khu vực".
"Bắc Kinh sẽ không ngoan để xem xét một cách cẩn thận sự tiếp cận của họ với 2 miền Triều Tiên và cân nhắc 2 miền chuẩn bị nhiều hơn để trở thành một láng giềng hợp tác, thân thiện và một lực lượng cho sự ổn định".
Bảo Linh (SCMP)