Truyền thông Philippines đưa tin, vào ngày 7/7 tới, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Manila đối với Trung Quốc. Điều khiến cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay là Bắc Kinh sẽ có những động thái nào để phản ứng lại phán quyết này.
Theo The Diplomat, việc dự đoán về phán quyết của PCA luôn khó khăn, và đôi khi còn nhờ vào may rủi, nhưng dẫu vậy, giáo sư luật James Kaska đến từ Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cũng đã công bố hai bài viết sâu sắc về những gì mà tòa án có thể đưa ra. Trong bài viết "Phân tích pháp lý về phán quyết của trọng tài trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc" và "Dự báo về phán quyết đúng luật của Trọng tài về Biển Đông", ông dự đoán rằng tòa án sẽ không quyết định quốc gia nào có chủ quyền tại khu vực xảy ra tranh chấp pháp lý, nhưng sẽ công nhận các thực thể mà Trung Quốc cải tạo phi pháp đều không phải là khu vực hàng hải nhỏ (vùng lãnh hải), vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa.
Điều này sẽ làm suy yếu đáng kể tuyên bố "đường lưỡi bò" của Trung Quốc và mang lại lợi ích quốc gia rất lớn cho Philippines cũng như các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Vấn đề còn lại duy nhất là đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng phi pháp. Nếu tòa công nhận đảo Ba Bình chính là vùng đặc quyền kinh tế, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động để có được một tuyên bố đáng tin cậy về chủ quyền dựa vào phán quyết của tòa, dù cho phải thông qua Đài Loan.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng phán quyết của tòa PCA sẽ nghiêng về có lợi cho Philippines. Ảnh: PCA |
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng phán quyết của PCA sẽ nghiêng về có lợi cho Philippines. Nhiều khả năng, Bắc Kinh chỉ đơn giản là phớt lờ các quyết định pháp lý, điều mà nước này vừa mới nhắc lại tại Đối thoại Shangri-La năm nay, thậm chí là tăng cường các hành động quân sự trên Biển Đông, tạo đà cho việc thành lập một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) phi pháp tại vùng biển này. Nếu vậy, tòa án chỉ có thể làm được rất ít để thực thi phán quyết. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến uy tín của Bắc Kinh bị sa sút nghiêm trọng khi không tuân theo phán quyết và không tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo đó, một quốc gia không tuân thủ phán quyết đưa ra trong tranh chấp sẽ trở thành một đòn bẩy trong chính trị quốc tế, không phải trong luật pháp quốc tế. Trong trường hợp của Trung Quốc, việc từ chối tuân thủ sẽ khiến nước này phải trả một cái giá lớn cho danh tiếng khi đang đóng vai trò là một sức mạnh đang trỗi dậy để trở thành cường quốc trên thế giới, đặc biệt là quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và uy tín quốc tế là những điều rất cần thiết để vươn tới vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Ngoài ra, Bắc Kinh có thể bỏ qua phán quyết của PCA và chỉ chờ đợi thời cơ, ít nhất là cho đến sau Hội nghị thượng đỉnh G-20 dự kiến tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 tới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể thực hiện những tính toán hợp lý đã giúp họ đạt được lợi ích đáng kể và chiến lược kiên nhẫn để củng cố lợi ích cho tới bây giờ. Việc cải tạo đất và quân sự hóa của Trung Quốc đối với các thực thể địa lý đã tạo cho nước này khả năng và năng lực giám sát cũng nhưu kiểm soát phần lớn Biển Đông. Do đó, trong khi Trung Quốc chiếm một vị trí lợi thế và sức mạnh trong khu vực, họ cần phải chú ý đến việc không mạo hiểm sự phát triển của mình bằng những hành động gây gổ không cần thiết. Mặc khác, điều này sẽ làm xói mòn vị trí chiến lược và làm chậm trễ các kế hoạch chiến lược của Trung Quốc. Tất cả những gì Bắc Kinh thực sự cần làm là duy trì sự quyết đoán kín đáo và ổn định để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình mà không theo đuổi những hành động quá đà - điều có thể lôi kéo sự kiềm chế nhiều hơn từ Washington và các đồng minh, đối tác trong khu vực hay những hành động tập thể của các bên trong tranh chấp Biển Đông.
Những nhà hoạt động sinh viên Philippines cầm mô hình tàu Trung Quốc để phản đối việc xây dựng đảo và yêu cầu Trung Quốc ra khỏi nhóm các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông hồi tháng 3/2016. Ảnh: AP |
Việc xem xét sự tăng cường hiện diện và hoạt động của Hải quân Trung Quốc (PLAN) trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác mâu thuẫn với lập trường pháp lý đối với các hành động quân sự nước ngoài của Trung Quốc trong chính vùng EEZ của họ. Khi Hải quân Trung Quốc tiếp tục hoạt động ở vùng biển xa và gần bờ biển các quốc gia khác, Bắc Kinh sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc phải giải quyết những mẫu thuẫn giữa chính sách và hoạt động thực tế. Trung Quốc hoặc phải thực sự điều chỉnh các chính sách hiện hành, hoặc phải thừa nhận bộ máy quyền lực không vững vàng để điều chỉnh các hoạt động quân sự trong vùng EEZ của họ. Nếu điều chỉnh Chính sách hiện hành, Trung Quốc sau này sẽ gặp nhiều rủi ro hơn về các giá trị pháp lý đối với các yêu sách chủ quyền trên biển, uy tín quốc tế và chỗ đứng trên thế giới.
Thực tế, Bắc Kinh đã bắt đầu đẩy mạnh việc làm dịu đi lập trường pháp lý của họ một cách khéo léo. Người Trung Quốc giờ đây tỏ ra không nhất thiết phản đối các chuyến bay tình báo, giám sát, trinh sát, các hoạt động hàng hải, những cuộc tập trận quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, mà thay vào đó, họ phản đối phạm vi, quy mô và tần suất các hoạt động nói trên trong vùng EEZ. Họ cũng không còn xem những hoạt động như vậy là trái với luật pháp quốc tế, song vẫn xem những hoạt động đó là đe dọa hòa bình và an ninh quốc gia, gây mất ổn định khu vực và lý do tại sao các hoạt động đó phải bị ngăn chặn.
Lê Huyền (The Diplomat)