Theo tạp chí The Diplomat của Nhật, mặc dù bề ngoài có vẻ như Trung Quốc lại một lần nữa khiến nội bộ ASEAN chia rẽ sau khi rút lại tuyên bố chung về Biển Đông, song chính Trung Quốc mới là kẻ thất bại khi không thể đạt được những mục tiêu lớn hơn.
Trao đổi với một số quốc gia Đông Nam Á cử đại diện tham dự Hội nghị đặc biệt giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) hồi đầu tuần này, rõ ràng Trung Quốc lại một lần nữa "nhúng tay" vào nhằm ngăn chặn việc ASEAN ra một tuyên bố chung về Biển Đông, tương tự như những gì Bắc Kinh đã làm tại Phnom Penh hồi năm 2012. Chính sự kiện đó khiến Bắc Kinh cho rằng đã đạt được thành công trong việc chia rẽ nội bộ ASEAN và chiến thuật chế ngự, cách Bắc Kinh chọn ra những nước yếu hơn trong ASEAN để phá vỡ sự đoàn kết. Và một lần nữa, Trung Quốc gần như đạt được mục tiêu khi ASEAN lại thể hiện sự thiếu đồng thuận.
Tuy nhiên, tìm hiểu rõ hơn về ý định của Trung Quốc trước khi hội nghị tại Côn Minh diễn ra cũng như nghiên cứu kĩ hơn về phản ứng chung của ASEAN và phản ứng riêng của từng quốc gia Đông Nam Á ở cả các cuộc thảo luận riêng tư cũng như tuyên bố chung (được công bố và không được công bố) rõ ràng cho thấy, Bắc Kinh đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu như dự định và phần lớn các nước Đông Nam Á hiện nay đều có khuynh hướng phản đối Trung Quốc nhiều hơn so với trước kia.
Hội nghị đặc biệt giữa các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc tại Côn Minh từ 13 - 14/6/2016. |
Từ những gì mà giới chức Trung Quốc nói cả trước đây lẫn trước khi hội nghị diễn ra, Bắc Kinh muốn nhấn mạnh 3 điểm chính trong cuộc họp lần này. Trước hết, Trung Quốc muốn giải quyết những khác biệt về Biển Đông với từng quốc gia Đông Nam Á riêng lẻ mà không có sự can thiệp bên ngoài, bao gồm cả phán quyết liên quan đến vụ kiện của Philippines mà Tòa Trọng tài thường trực tại Hague sẽ đưa ra vào cuối tháng này.
Thứ hai, Bắc Kinh không muốn phạm vi mà vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ của Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á bị thổi phồng bởi cho rằng, nó chỉ là một vấn đề nhỏ trong quan hệ hợp tác thành công của hai bên.
Thứ ba, Trung Quốc muốn Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN và Trung Quốc, mà là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh với 4 quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là Philippines.
Mặc dù Trung Quốc được xem là đã thành thành công trong việc ngăn chặn ASEAN đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông, thì Bắc Kinh vẫn thất bại khi không thể đạt được cả ba điểm trên như dự định.
Biển Đông trở thành chủ đề lớn trong Hội nghị đặc biệt giữa các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc. |
Về mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc, đó là Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á riêng lẻ có thể giải quyết những khác biệt về Biển Đông mà không có sự can thiệp của bên ngoài. Hội nghị ở Côn Minh là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ASEAN và Trung Quốc không thể đơn phương giải quyết vấn đề này thành công, trừ trường hợp Bắc Kinh tiếp tục tìm cách phá hoại đoàn kết của tổ chức khu vực này, từ đó cản trở mỗi nước đưa ra quan điểm riêng và ngăn chặn các quốc gia riêng lẻ tìm kiếm cách giải quyết từ bên ngoài.
Theo một nhà ngoại giao Đông Nam Á nắm rõ các sự kiện tại Côn Minh, ASEAN đã chuẩn bị một bản tuyên bố chung để công bố giống như những gì mà Malaysia đã tuyên bố và Trung Quốc cũng đã biết được điều này từ trước đó. Nhưng thay vì để ASEAN đưa ra một tuyên bố chung và công khai về quan điểm của họ, Bắc Kinh đã dựa vào quan hệ thân thiết với một số thành viên trong nhóm, đặc biệt là Lào - nước đang giữ vị trí chủ tịch ASEAN năm nay, để buộc tổ chức này phải rút lại tuyên bố chung dù đã công bố với một số phương tiện truyền thông trước đó. Cuối cùng, bản tuyên bố chung về Biển Đông của ASEAN trở thành "yểu mệnh".Thay vì cùng các nước ASEAN giải quyết vấn đề này dựa trên quan điểm của từng nước, Trung Quốc chọn cách làm suy yếu khả năng của ASEAN để giữ lập trường ngang ngược của mình.
"Cách tiếp cận thắng - bại của Trung Quốc khiến quan sát ngoại giao trở nên bất khả thi và cũng làm cho các lựa chọn mà Trung Quốc muốn trở nên hợp lý", nhà ngoại giao cho biết, có ý mỉa mai chiến thuật tiếp cận truyền thống "đôi bên cùng có lợi" của Bắc Kinh trong các mối quan hệ với ASEAN.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachit hôm 23/4. Ảnh: CRI |
Mục tiêu thứ hai của Trung Quốc khi cho rằng vấn đề Biển Đông không nên bị thổi phồng bởi nó chỉ là một vấn đề nhỏ trong quan hệ đối tác thành công giữa ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh kỷ niệm 25 năm, cũng không thể đạt được.
Rõ ràng, ban đầu các nước ASEAN đã đạt được sự đồng thuận khi quyết định đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông, chỉ đáng tiếc, đến phút cuối, nó lại không được công bố. Về cơ bản, tuyên bố được chia làm 2 nửa: nửa đầu nói về tình trạng quan hệ ASEAN - Trung Quốc và những gì được chuẩn bị cho kỷ niệm 25 năm; toàn bộ nửa còn lại nói về Biển Đông và những ảnh hưởng của Biển Đông đối với các mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc.
Đối với những người có cơ hội đọc được bản tuyên bố chung "yểu mệnh" này, nội dung của phần sau bao gồm cả chỉ trích đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Vốn dĩ trước đây, những quan ngại về vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung của ASEAN thường bị giới hạn hoặc chỉ gói gọn trong một vài đoạn ngắn ngủi. Trung Quốc cũng không được nhắc đến trực tiếp. Bởi vậy, việc ASEAN dành toàn bộ nửa sau của tuyên bố để nói về mối lo ngại đối với Trung Quốc ở Biển Đông được xem là bước tiến mới không ít khó khăn của tổ chức này, hoàn toàn đối lập với những gì mà Bắc Kinh dự tính trước cuộc họp.
Dù không được phát hành, song bản tuyên bố chung là dấu hiệu cho thấy phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đã gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ở một mức độ chưa từng thấy, đồng nghĩa với việc toan tính của Bắc Kinh đã không được như ý.
Cuối cùng, mục tiêu nhấn mạnh rằng Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN và Trung Quốc, mà là vấn đề song phương của Bắc Kinh với 4 quốc gia tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là Philippines - cũng không thể làm suy yếu những mâu thuẫn căn bản. Không chỉ những quốc gia có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, mà kể cả những quốc gia không có yêu sách như Singapore và Indonesia đều không tán thành quan điểm này, khiến nỗ lực của Bắc Kinh hoàn toàn phá sản.
Singapore - quốc gia giữ vai trò điều phối viên giữa Trung Quốc và ASEAN là trường hợp rõ ràng nhất trong vấn đề này. Quốc đảo sư tử không ngại làm "mếch lòng" những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chia rẽ ASEAN trước thời điểm Tòa Trọng tài thường trực đưa ra phán quyết ngay từ trước khi diễn ra hội nghị tại Côn Minh, thậm chí còn công khai phát hành thông cáo báo chí của mình ngay cả khi không có tuyên bố chung được đưa ra - một tín hiệu rõ ràng về sự bất mãn của quốc gia này trong vấn đề Biển Đông. Tám trong số 13 dòng trong thông cáo của Singapore đều thể hiện những quan ngại của các Ngoại trưởng ASEAN đối với Trung Quốc ở Biển Đông.
Indonesia - quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á cũng đã đưa ra bản tuyên bố công khai của mình, trong đó nêu rõ việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực khó có thể đạt được nếu không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Dù bản tuyên bố chung đã không được đưa ra, nhưng nó là minh chứng cho thấy những nỗ lực chưa từng có của các quốc gia Đông Nam Á để đẩy lùi sự bá quyền của Trung Quốc trong khu vực. Và tại Côn Minh lần này, những nỗ lực đó đã phần nào được ghi nhận khi làm thất bại những mục tiêu ban đầu của Bắc Kinh.
Lê Huyền (The Diplomat)