Nếu hiến pháp được thông qua, về mặt lý thuyết, ông Tập Cận Bình có thể nắm giữ 3 chức vụ quan trọng nhất trong thời gian không hạn chế.
Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 25/2 đã đề xuất thay đổi hiến pháp, bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ với vị trí chủ tịch và phó chủ tịch nước.
New York Times đánh giá động thái này nhằm mở đường để ông Tập Cận Bình tiếp tục cầm quyền sau năm 2023, nắm giữ quyền lực lớn nhất từ trước tới nay.
Theo hiến pháp Trung Quốc hiện tại, ông Tập, 64 tuổi, sẽ kết thúc nhiệm kỳ hai vào năm 2023, dù chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ông không bị giới hạn thời gian.
Nếu quy định mới trong hiến pháp được thông qua, ông Tập về lý thuyết có thể nắm giữ ba chức vụ quan trọng nhất trong thời gian không hạn chế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ kết thúc nhiệm kỳ hai vào năm 2023. Ảnh: Reuters |
Nhiều chuyên gia phân tích nhận xét đây là động thái củng cố quyền lực mạnh mẽ nhất của ông Tập từ trước tới nay.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hết lời ca ngợi động thái này. Tuy nhiên, đề xuất sửa đổi hiến pháp này cũng gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
"Nếu hai nhiệm kỳ là không đủ thì họ có thể thêm nhiệm kỳ ba, nhưng cần có một giới hạn. Loại bỏ quy định đó là không tốt!", một người viết trên Weibo.
Chuyên gia Shirk cảnh báo rằng khi quyền lực tập trung vào một người thì "nguy cơ đánh giá Chính sách sai lầm cũng lớn hơn".
"Chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc sẽ kiềm chế hay gay gắt hơn? Điều đó hoàn toàn sẽ phụ thuộc vào điều ông Tập muốn", bà nhấn mạnh.
Một số người cảnh báo việc quyền lực tuyệt đối tập trung vào tay ông Tập có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng. Nếu không bị hạn chế nhiệm kỳ, ông Tập gần như chắc chắn sẽ còn nắm quyền sau năm 2025, khi ông Trump phải rời Nhà Trắng nếu ông đắc cử nhiệm kỳ hai.
"Ông ấy sẽ có vị thế mạnh hơn ông Trump - người chẳng có lý do gì để thích điều đó", Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, bình luận.
Lê Huyền (tổng hợp)