Tin mới

TQ tố Mỹ thổi phồng việc triển khai tên lửa vì "động cơ thầm kín"

Thứ năm, 18/02/2016, 14:32 (GMT+7)

Phản ứng trước việc chính quyền và truyền thông Mỹ khẳng định rằng Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh đã lớn tiếng cáo buộc Mỹ có động cơ thầm kín khi thổi phồng sự việc này.

Phản ứng trước việc chính quyền và truyền thông Mỹ khẳng định rằng Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh đã lớn tiếng cáo buộc Mỹ có động cơ thầm kín khi thổi phồng sự việc này.

Đáp trả lại sự giận dữ của Mỹ và các đồng minh châu Á khi phát hiện ra rằng Trung Quốc đã triển khai bệ phóng tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh tuyên bố rằng hệ thống tên lửa này đã tồn tại nhiều năm.

Trong khi chính phủ Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận việc triển khai này, thì Hoàn cầu thời báo, cổng thông tin nhà nước Trung Quốc nói rằng Mỹ có "động cơ thầm kín khi thổi phồng việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tới một đảo ở Biển Đông".

Tờ báo vốn thường được sử dụng như một cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, trích dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, "Trung Quốc đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ trên biển và trên không ở quần đảo này từ nhiều năm trước.

"Sự thổi phồng của truyền thông phương Tây chắc chắn là sự lặp laị thuần túy của lý thuyết 'mối đe dọa Trung Quốc'", Hoàn cầu thời báo viết, đề cập đến những lo ngại về quân sự và tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên hôm 17/2 rằng, hệ thống tên lửa HQ-9 là "trang bị tự vệ giới hạn và cần thiết của Trung Quóc trên các đảo và rạn san hô, phù hợp với quyền tự vệ mà Trung Quốc được hưởng theo luật pháp quốc tế".

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: Getty Images

Hãng Fox News hôm 17/2 dẫn những hình ảnh được chụp bởi vệ tinh thương mại ImageSat International cho thấy 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar đã được triển khai tới đảo Phú Lâm trong tuần qua. Bộ Quốc phòng Đài Loan và Lầu Năm Góc sau đó cũng xác nhận điều này.

Quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam và bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý chồng lấn lên lãnh hải các nước khác trong khu vực như Malaysia, Brunei, Philippines và Nhật Bản. Đây là vùng biển có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú, đồng thời là tuyến thương mại hàng hải huyết mạch của thế giới.

Trả lời phỏng vấn của The Guardian về các bệ phóng tên lửa của Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, cho biết: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm tăng căng thẳng ở Biển Đông".

Động thái này của Bắc Kinh cũng khiến Washington tỏ thái độ tức giận. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 17/2 nói rằng việc Trung Quốc đưa tên lửa ra Phú Lâm là bằng chứng cho việc gia tăng hoạt động quân sự hóa Biển Đông mỗi ngày.

"Chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với Trung Quốc và tôi tin rằng trong những ngày tới, chúng tôi sẽ có nhiều hơn nữa những cuộc nói chuyện nghiêm túc về vấn đề này", Ngoại trưởng Mỹ nói.

Ảnh vệ tinh cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International

Trong khi đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục các chuyến bay tuần tra tại Biển Đông.

"Quân đội Mỹ đã tiến hành các hoạt động để biểu hiện quan điểm của chúng tôi, và làm rõ sự quyết đoán trong quan điểm đó. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục các chuyến bay, tàu tuần tra và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", ông Earnest nói.

Vấn đề Biển Đông và những lo ngại về sự mở rộng quân sự của Trung Quốc đã trở thành một điểm quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Khi được hỏi về cách Mỹ nên phản ứng trước điều này, ứng viên Đảng Cộng hòa Marco Rubio nói rằng Hải quân Mỹ nên bổ sung thêm 25 tàu để tăng cường sự hiện diện trong khu vực, thách thức bất cứ khu vực phòng không và chủ quyền vùng biển nào Trung Quốc tuyên bố phi pháp.

"Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà chính phủ Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố họ sở hữu và có thể kiểm soát các dòng chảy thương mại thông qua tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới", ông Rubio nói.

Hồi tháng 1, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã tiến vào khu vực 12 hải lý đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một động thái khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt. Mỹ cũng đã tiến hành tuần tra trên biển và trên không gần những hòn đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc cải tạo ở quần đảo Trường Sa, trong đó có việc triển khai hai máy bay ném bom chiến lược B-52 hồi tháng 11/2015.

Lê Huyền (The Guardian)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news