Trung Quốc đã lên tiếng thể hiện sự phẫn nộ sau khi các lãnh đạo G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển) ra tuyên bố chung quan ngại tình hình Biển Đông, phản đối hành vi quân sự hóa.
"Chúng tôi hối thúc tất cả các bên phi quân sự hoá thực thể tranh chấp", lãnh đạo các nước G7 hôm 27/5 phát tuyên bố chung sau khi nhóm họp tại Italy, thể hiện sự quan ngại với tình hình Biển Đông và Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng.
Các nước cũng tái khẳng định cam kết duy trì trật tự dựa trên luật định trên biển, theo các nguyên tắc của luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như phương tiện pháp lý, bao gồm toà trọng tài.
Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo và xây đường băng trên đó. Ảnh: AP |
Sáng sớm 28/5, Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng nước này cam kết "bảo vệ hoà bình và ổn định" Biển Đông và Hoa Đông thông qua đối thoại và tham vấn trực tiếp với các bên liên quan.
Ông Lục còn ngang nhiên kêu gọi G7 và các nước bên ngoài "dừng các phát biểu vô trách nhiệm".
Ông Lục còn nói thông cáo của G7 gây cản trở các vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông dưới chiêu bài luật pháp quốc tế.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, tiến hành các hành động quân sự hóa phi pháp dù Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015 cam kết với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó rằng sẽ không tiếp tục "quân sự hóa".
Việt Nam nhiều lần khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Lê Huyền (tổng hợp)