Bộ Tài chính mới dây dã ban thành Thông tư số 59/2023/TT-BTC, trong đó quy định tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế từ ngày 16/10/2023.
Theo đó, tăng từ 5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hồ sơ đối với mức phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị loại C, D.
Tăng từ 360.000 đồng/lần lên 430.000 đồng/lần đối với phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Tổ chức thu phí là Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện các công việc thu phí và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các công việc thu phí.
Nếu tổ chức thu phí là Bộ Y tế hoặc các đơn vị thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế: Tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Nếu tổ chức thu phí là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng: Bộ Công an được để lại 80% số tiền phí thu được để trang trải chi phí, bao gồm các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ. 20% còn lại sẽ nộp cho ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Nếu tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP: Được để lại 80% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Nộp 20% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Thông tư trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/10/2023