Ban đầu, Bắc Kinh không có cung điện nhưng Hoàng đế Minh Thành Tổ lúc bấy giờ nghe nói đây là vùng đất của đế vương nên quyết định xây thành ở đây. Đồng thời, ông cho chuyển một số người đến Bắc Kinh để biến nơi này thành kinh đô sau này. Mất 11 năm xây dựng, cuối cùng Tử Cấm Thành cũng hoàn thành vào năm 1420 và có lịch sử hơn 600 năm.
Tử Cấm Thành đã chứng kiến nhiều cuộc đấu đá nội bộ và sự đổi thay của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Trong kho tàng cố cung hiện nay vẫn còn một số lượng lớn các di vật văn hóa quý giá, là di sản văn hóa lớn cho Trung Quốc.
Sau khi đến thăm nơi này, bạn sẽ thấy một điều kỳ diệu. Tử Cấm Thành có diện tích 720.000 mét vuông, trong đó diện tích các tòa nhà là 150.000 mét vuông. Với hơn 70 cung điện lớn nhỏ nhưng trong Tử Cấm Thành rộng lớn lại không có dấu vết của "nhà vệ sinh cổ". Xét ra bên trong Tử Cấm Thành không chỉ có gia đình hoàng tộc sinh sống mà còn có cả cung nữ, thái giám hầu hạ họ. Chắc chắn phải có nhiều nhà vệ sinh, nhưng trong thực tế lại không. Tại sao? Người xưa không dùng toilet sao?
Ngày xưa, người ta không có toilet tự hoại như bây giờ. Mọi người đào hố bên dưới các tòa nhà để chứa phân. Thay vì chui vào hệ thống cống xử lý như bây giờ, phân sẽ ở lại hầm chứa đó nên có mùi rất hôi. Trong cung nhiều người như vậy, nếu ai cũng giải quyết "chuyện tế nhị" kiểu này thì hoàng cung sẽ hôi cả ngày, không thể ở được.
Người thường còn thấy khó chịu huống chi là hoàng tộc cao quý, chắc chắn họ không muốn chịu đựng mùi này. Minh Thành Tổ coi trọng phong thủy của Bắc Kinh nên đã xây cung điện ở đây. Mùi phân tích tụ có hại cho Phong thủy của hoàng cung và không tốt cho sự tráng lệ của Tử Cấm Thành. Do đó, không có bất cứ một nhà vệ sinh nào được xây trong cung điện.
Tuy nhiên, không ai là thần tiên có thể bỏ ăn uống. Vậy thì người xưa đi vệ sinh như thế nào? Phải thực sự khâm phục trí tuệ của người thời bấy giờ. Câu trả lời chính là những chiếc thùng gọi là "cung đồng", vừa dễ vận chuyển, vừa có thể giải quyết vấn đề tiêu hủy chất thải.
Vì vậy, mặc dù không có nhà vệ sinh trong Tử Cấm Thành nhưng vẫn có một căn phòng gọi là "tịnh phòng" để sử dụng những xô thùng này. Những người phục vụ trong tịnh phòng chính là các cung nữ, thái giám có địa vị thấp. Nếu ai đã xem "Diên Hy công lược" thì sẽ biến Ngụy Anh Lạc từng bị phạt phải đi rửa các "cung đồng" này.
Người trong cung sử dụng "quan phòng", giống như toilet ngày nay. Nó có đệm ở chỗ ngồi. Để làm giảm mùi hôi, người ta sẽ bỏ vào đó chút tro đàn hương. Khi người hoàng tộc đi vệ sinh, sẽ có một vài người đứng phục vụ họ. Chẳng hạn như Từ Hy thái hậu có tới 5-6 người hầu lúc giải quyết nỗi buồn. Sau khi bà đi xong, họ sẽ lau sạch "quan phòng" rồi rắc lại bột đàn hương.
Vậy khi vận chuyển những cung đồng đi xử lý chất thải, liệu chúng có phát ra mùi không? Những người dọn dẹp sẽ bọc chúng bằng cỏ và tro đàn hương sau đó vận chuyển ra khỏi cung để mang đi bón ruộng. Ngày ấy làm gì có phân bón hóa học như bây giờ. Người xưa không chỉ giải quyết nhu cầu cá nhân mà còn thúc đẩy nông nghiệp, một mũi tên trúng 2 đích.
Hiện nay, phương pháp đi vệ sinh bằng cung đồng đã rất lạc hậu. Với hệ thống thoát nước hiện tại và sự phát triển của những công nghệ khác nhau, chúng ta không còn cần quá nhiều công cụ rắc rối để xử lý phân nữa. Chỉ cần một cái nhấn nút, phân sẽ tự trôi qua cống, sau đó trải qua các giai đoạn biến đổi và dần biến thành những vật dụng có thể sử dụng. Không chỉ nhà vệ sinh, nhiều thứ sẽ dần được cải tiến và thay thế sau nhiều thế hệ.
Ngày nay, du khách đến Tử Cấm Thành không cần lo lắng về chuyện đi vệ sinh. Từ khi cố cung trở thành một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Trung Quốc, người ta đã lắp đặt nhiều nhà vệ sinh công cộng cho mọi người sử dụng.