Mới đây, Đô đốc Mỹ Harry Harris đã lên tiếng khẳng định, chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông là hành động nhằm hợp thức hóa luật pháp quốc tế và nó sẽ có lợi cho các nước.
Trong chương trình bên lề của Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á Đối thoại Shangri-la tại Singapore, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh, "tự do hàng hải sẽ giúp ích cho các nước trong khu vực vì nó hợp thức hóa quan điểm luật quốc tế dành cho tất cả chúng ta và luật quốc tế cho phép tàu bè, máy bay của chúng ta hoạt động trên đại dương. Đó là ý nghĩa của chương trình tự do hàng hải".
Tư lệnh Mỹ Harry Harris. |
Tuyên bố được đưa ra khi Mỹ mới đây đã điều tàu khu trục USS Dewey đến tuần tra xung quanh đá Vành Khăn. Đá Vành Khăn là 1 trong 7 đã thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Đây là cuộc tuần tra đầu tiên của Mỹ tại khu vực từ hồi tháng 10 năm ngoái, cũng là lần đầu tiên kể từ sau khi ông Trump chính thức nhậm chức hồi tháng 1 năm nay.
Các chuyên gia nhận định, đây là hành động thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ nhắm tới các hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Đây cũng là một thông điệp gửi cho Bắc Kinh, cảnh báo họ không có quyền lãnh hải quanh các đảo nhân tạo.
Vị Tư lệnh Mỹ này cũng bày tỏ quan ngại về việc hình thành một số căn cứ quân sự trên Biển Đông. Hồi cuối tháng 3, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc CSIS của Mỹ cho biết, Bắc Kinh đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo phi pháp trên Biển Đông.
Trung Quốc cũng ngang nhiên khi cho rằng, nước này "có quyền xây dựng" các cơ sở quân sự ở Biển Đông, bao biện đây là "quyền phòng vệ của Trung Quốc".
Nghiêm Thu (Tổng hợp)