Ngày 17/6, Trung Quốc ghi nhận thêm 28 ca Covid-19 mới trong đó có 21 ca tại Bắc Kinh. Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết 4 ca trong số này là nhập khẩu và có 8 ca nhiễm mới không có triệu chứng. Một ngày trước đó, Ủy ban báo cáo 44 ca nhiễm, 11 ca trong số này là nhập khẩu và 11 ca không có tiệu chứng. Tổng số ca Covid-19 được xác nhận tại Trung Quốc hiện là 83.293, số người chết vẫn không đổi là 4.634.
Sự hồi sinh của Covid-19 tại thủ đô trong tuần qua làm dấy lên lo ngại về sự lây lan rộng hơn. Cụm dịch có liên kết tới chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa của thành phố. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) cho biết vụ dịch nhấn mạnh nhu cầu phải cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh và giảm thiểu rủi ro y tế tại các khu chợ. "Dịch bệnh là tấm gương, không những phản ánh sự bẩn thỉu, lộn xộn của các chợ đầu mối mà còn cả các điều kiện quản lý ở mức thấp của chúng", CCDI nói trong báo cáo đăng trên website hôm 17/6.
Chợ đầu mối Tân Phát Địa tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Những khu chợ thực phẩm ngổn ngang của Trung Quốc nổi lên là nơi sinh sản lý tưởng cho virus corona, mầm bệnh hiện lây nhiễm cho hơn 8 triệu người trên toàn thế giới. Cụm dịch lớn đầu tiên được truy vết đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Tại đây, người ta bán dơi và các loại động vật hoang dã khác.
Báo cáo của CCDI lưu ý rằng hầu hết các chợ đều được xây dựng 20-30 năm trước, khi mà hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tương đối chưa phát triển. Báo cáo dẫn lời ông An Yufa, một giáo sư tại ĐH Nông nghiệp Trung Quốc cho biết các chợ phải tuân theo thông lệ quốc tế và có hệ thống truy tìm nguồn gốc cũng như tài liệu về lưu trữ, vận chuyển, bán hàng.
Các quan chức ở Vũ Hán đã lấy 3.000 mẫu từ các dụng cụ, thớt và cống ở 114 khu chợ của nông dân và 107 siêu thị trong tuần này để kiểm tra các nguồn lây nhiễm tiềm ẩn. Tất cả đều cho kết quả âm tính.
Trung Quốc hứa sẽ cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã nhằm giảm thiểu lây truyền bệnh nhưng việc sử dụng động vật hoang dã trong y học cổ truyền vẫn được phép.