Tin mới

"Tuần trăng mật" Nga - Nhật đã kết thúc ngay khi chưa kịp bắt đầu ?

Thứ năm, 09/06/2016, 11:30 (GMT+7)

Nỗ lực tái thiết lập quan hệ của Nga và Nhật Bản lại một lần nữa đi vào ngõ cụt vì những thực tế địa chính trị khắc nghiệt.

Nỗ lực tái thiết lập quan hệ của Nga và Nhật Bản lại một lần nữa đi vào ngõ cụt vì những thực tế địa chính trị khắc nghiệt.

Cuộc gặp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/5 ở Sochi đã gặt hái được những phản ứng tích cực từ cả hai nước và tạo ra tiền đề cho những lạc quan mang tính cẩn trọng hướng tới đàm phán hiệp ước hòa bình và bước tiến trong tranh chấp lãnh thổ phía bắc.

Theo đánh giá của tạp chí The Diplomat, những kết quả tức thời trong chuyến thăm của ông Abe tới Nga có thể được hiểu như một chương trình nghị sự thành công, tập trung vào những tranh chấp lâu năm, đồng thời đề cập đến các kế hoạch tăng cường hợp tác năng lượng. Mối quan hệ song phương dường như đã thấm nhuần những động cơ tích cực, và Thủ tướng Abe đã có trong tay bài phát biểu dù chưa rõ ràng về thỏa thuận giải quyết tranh chấp lãnh thổ phía bắc để trình bày trước các cử tri Nhật Bản trước cuộc bầu cử Thượng viện.

Hơn nữa, chuyến đi đến Sochi của ông Abe đã được lấp đầy bởi những dấu hiệu hứa hẹn sự tan băng trong mối quan hệ song phương vốn tưởng chừng như không bao giờ có thể khôi phục sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau tại Sochi năm 2014 Ảnh: AP

Không lâu trước chuyến thăm của ông Abe, phát ngôn viên tổng thống Dmitry Peskov gọi tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước là đề tài "cực kì nhạy cảm" và sẽ được thảo luận một cách cẩn thận giữa các chuyên gia - một sự thay đổi đáng kể bởi Moscow trước đó luôn phủ nhận mạnh mẽ sự tồn tại tranh chấp. Bên cạnh đó, sau cuộc gặp mặt giữa hai lãnh đạo cấp cao, Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev đã có chuyến đi tới Tokyo để thảo luận với Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hiroshige Seko về các dự án kinh tế chung ở vùng Viễn Đông Nga như một phần trong kế hoạch hợp tác kinh tế mà Thủ tướng Abe đề xuất. Cuối cùng, Ngoại trưởng hai nước dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình trong tháng 6 này.

Tuy nhiên, những sự kiện này đã nhanh chóng bị phá hỏng bởi hàng loạt diễn biến điển hình cho thực tế địa chính trị khắc nghiệt mà Nga và Nhật Bản đều đang vướng phải, đồng thời đặt ra câu hỏi về khả năng của một sự cải thiện đáng kể trong quan hệ song phương.

Hôm 16/5, Nga và Nhật Bản đã lần đầu tiên miễn thị thực qua lại trong năm 2016, cho phép những người Nga đang sống ở quần đảo Nam Kuril du lịch tới Nhật, và những người Nhật được phép tới thăm quần đảo tranh chấp. Thế nhưng, bước tiến này đã bị hoen ố bởi một sự kiện ngoại giao. Một nhóm người dân Nhật Bản đã tới thăm hòn đảo nhỏ không người ở Tanfilyev để tưởng nhớ những người thân đã chết khi hòn đảo này vẫn thuộc về Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Nga đã từ chối cho những người này nhập cảnh vì khi điền vào giấy tờ, những người dân này đã dùng tên Nhật Bản của hòn đảo là Suisho để viết thay vì tên Tanfilyev. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đã nhanh chóng đưa ra một lý do thay thế cho sự cố này, nói rằng chuyến thăm không thành do thời tiết xấu, và nhóm công dân Nhật đã đến một địa điểm khác ở gần thành phố Nemuro. Theo The Diplomat, tuyên bố này của ông Suga là dấu hiệu cho thấy sự miễn cưỡng của Nhật thậm chí có thể gây thiệt hại không đáng có cho mối quan hệ song phương gần đây giữa hai nước trong những hy vọng phá vỡ bế tắc tại quần đảo tranh chấp Kuril.

Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Kuril cũng là một trong những lý do khiến quan hệ Nga - Nhật đi vào bế tắc.

Trong khi đó, cam kết của Nga về việc đẩy mạnh đối thoại chính trị với Nhật Bản sẽ trở nên hờ hững do những tuyên bố chính thức gần đây của Moscow về lãnh thổ phía bắc. Tại hội nghị ASEAN ở Sochi, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng, trong khi Nga sẵn sàng thảo luận để ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, thì lựa chọn "bán" các đảo cho Nhật Bản sẽ không xuất hiện trên bàn đàm phán. Vài ngày sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi trả lời phỏng vấn báo Komsomolskaya Pravda cũng đã nêu bật rằng, Nga không có kế hoạch nhượng lại lãnh thổ tranh chấp cho Nhật, và cũng không "cầu xin" để có một hiệp ước hòa bình. Ông Lavrov cũng nhắc lại công lao của Nga trong việc Thế chiến II kết thúc đối với vấn đề về quyền sở hữu quần đảo.

Tương tự như vậy, kỳ vọng của Moscow về việc Nhật Bản sẽ làm cầu nối trung gian cho việc bình thường hóa quan hệ Nga - phương Tây cũng đã thất bại rõ ràng qua những tuyên bố mạnh mẽ có chữ ký của các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị mới nhất ở Ise Shima. Không chỉ những biện pháp trừng phạt chống lại Nga, G7 còn tái khẳng định những biện pháp nới lỏng hạn chế đối với Moscow cũng đều bị loại bỏ. Hơn nữa, trách nhiệm thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk liên quan đến vấn đề Ukraine đều bị quy cho chính Moscow, không phải hai nước cộng hòa Donetsk và Luhansk. Bất kể việc Tokyo mong muốn đóng vai trò trung gian hóa giải hận thù Nga - phương Tây, tính chất tuyệt đối của các tuyên bố đặt ra câu hỏi về khả năng của ông Abe trong việc gây ảnh hưởng đối với các lãnh đạo G7.

Kỳ vọng của Moscow về việc Nhật Bản sẽ làm cầu nối trung gian cho việc bình thường hóa quan hệ Nga - phương Tây thất bại rõ ràng qua những tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị mới nhất ở Ise Shima. 

Cuối cùng, trong nhiều tuần qua, Nga đã báo hiệu ý định siết chặt sự hiện diện quân sự của mình ở vùng Viễn Đông, bao gồm cả quần  đảo tranh chấp. Theo Thượng tướng Sergey Surovikin, Tư lệnh Quân khu miền Đông của Nga, chính phủ đang thực hiện "các biện pháp chưa từng có" để nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và tái vũ trang quân đội ở Sakhalin và quân đảo Kuril, mà theo cách gọi là ông là "tiền đồn phía Đông của Nga". Hơn nữa, Nga cũng có kế hoạch sử dụng đảo không người ở Matua (Matsuwa trong tiếng Nhật) thành căn cứ hải quân cho Hạm đội Thái Bình Dương. Đây là bước đi mới nhất của Nga để củng cố biên giới phía đông.

Các sự kiện diễn ra trong vài tuần qua cho thấy không hề có sự thay đổi rõ ràng nào kể từ sau cuộc gặp giữa Abe và Putin, dù Tokyo đã nỗ lực rất nhiều nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Tình thế này đặt ra câu hỏi rằng liệu chuyến thăm của Putin đến Nhật vào cuối năm nay liệu có đạt được kết quả như hai bên từng háo hức kỳ vọng.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news