Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện Mỹ, Bob Corker, cho rằng rất khó để đánh giá chuyện gì đã xảy ra ở thượng đỉnh.
Trả lời báo giới sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng đảm bảo an ninh cho lãnh đạo Kim Jong-un, đổi lại phía Bình Nhưỡng sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa toàn diện.
Cụ thể hơn, ông Trump cho hay, Mỹ sẽ không rút quân khỏi Hàn Quốc nhưng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn sẽ được hủy bỏ. Tuyên bố của ông Trump đã khiến Lầu Năm Góc và chính quyền Seoul bối rối. Nó trái ngược với cột trụ trong chiến dịch tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu cho binh lính Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis.
Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh, ông Trump đã đưa hướng đi lạ thường của mình đi xa hơn bằng cách mô tả cuộc tập trận Mỹ - Hàn là "gây hấn". Ông cũng nói rằng ông muốn rút toàn bộ 28.500 quân Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc mặc dù ông khẳng định rằng điều này không nằm trong khuôn khổ đàm phán hiện tại.
"Sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay"
Nước Mỹ đã duy trì hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và đã tổ chức tập trận suốt nhiều năm với nhiều loại diễn tập nhằm mài dũa kỹ năng và thử khả năng tác chiến hiệu quả với Hàn Quốc.
Cuộc tập trận lớn tiếp theo trong dự kiến, được biết tới với tên gọi Người bảo vệ Tự do Ulchi, có sự tham gia của hàng chục nghìn binh lính, thông thường được tổ chức vào tháng 8.
"Chúng tôi sẽ chấm dứt tập trận, điều đó sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được một số tiền lớn, trừ khi chúng tôi thấy các cuộc đàm phán trong tương lai không diễn tiến tốt đẹp như dự tính", ông Trump tuyên bố tại Singapore, "Nhưng chúng tôi sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn. Hơn nữa tôi nghĩ hoạt động đó là gây hấn".
Tập trận chung Mỹ - Hàn. Ảnh: EPA
Sau phát ngôn bất ngờ của ông Trump, Lầu Năm Góc cho biết cơ quan này đang tham vấn Nhà Trắng và các bên khác nhưng không tiết lộ liệu Người bảo vệ Tự do Ulchi có diễn ra hay không.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, Dana W. White, nói với báo giới rằng ông Mattis "hoàn toàn nhất trí" với ông Trump và đã được tham vấn trước về mọi khía cạnh trong thượng đỉnh Singapore.
"Không có bất ngờ nào cả", bà White nói.
Nếu Mattis biết trước việc ông Trump sẽ tuyên bố chấm dứt tập trận quân sự thì rõ ràng ông đã không chia sẻ thông tin đó với Hàn Quốc hoặc cơ quan quân đội chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định này: Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc.
Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc cho biết, họ không "nhận được bất cứ chỉ đạo mới nào về việc thi hành hay chấm dứt tập trận quân sự".
Chính phủ Hàn Quốc cũng bị bất ngờ. Sau khi tuyên bố được đưa ra, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Seoul đang cố gắng phân tích phát ngôn của ông Trump. Quân đội Hàn Quốc có vẻ cũng bị bất ngờ như vậy.
Các tuyên bố của ông Trump trái ngược với lập trường hàng thập kỷ qua của chính quyền Mỹ, rằng các cuộc tập trận ở Hàn Quốc là hoạt động phòng vệ và cần thiết để đảm bảo lực lượng đồng minh sẵn sàng chiến đấu ngay khi được thông báo. Ở Hàn Quốc có một khẩu hiệu rất phổ biến là : "Sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay".
Mattis thường nói rằng ưu tiên số một của ông trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là tăng cường cái mà ông gọi là "khả năng sát thương" của quân đội, trong đó bao gồm cả việc khiến binh lính được trang bị tốt hơn, được huấn luyện và được chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh toàn diện.
Theo quan điểm của Mattis, sự chuẩn bị ngang với hành động răn đe hiệu quả hơn - thuyết phục đối thủ tiềm tàng rằng họ không thể thắng và vì thế đừng nên tấn công.
Triều Tiên cho rằng các cuộc tập trận là nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược và nhiều tình huống đối đầu đáng ngại xảy ra gần đây là khi các cuộc diễn tập này được tổ chức.
Moon Seong-mook, một cựu quan chức quân đội Hàn Quốc, cho rằng tuyên bố của ông Trump về hoạt động tập trận đã xác nhận điều mà nhiều người Hàn Quốc lo ngại - rằng Triều Tiên sẽ cố tìm cách chia rẽ Washington với Seoul và đạt được nhượng bộ từ một vị Tổng thống Mỹ khác thường, người không để tâm nhiều tới đồng minh truyền thống bằng những người tiền nhiệm.
"Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu quân đội không tập luyện thông qua các cuộc diễn tập chung", ông Moon nói.
Chỉ là ông Trump "ứng khẩu"?
Tuyên bố của ông Trump được nhiều nhà phân tích xem là một sự nhượng bộ không tương xứng.
"Chấm dứt tập trận chung là mục tiêu dài hạn của Triều Tiên và Trung Quốc", hai nhà phân tích châu Á Victor Cha và Sue Mi Terry viết trong bản đánh giá cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, "Ông Trump đã tuyên bố khi mà không nhận lại được gì ngoài những điều khoản chung chung mà Triều Tiên đã đưa ra từ đầu những năm 1990".
Ông Trump cũng có vẻ không hài lòng với việc oanh tạc cơ của Mỹ phải thực hiện một chuyến bay dài từ Guam tới bán đảo Triều Tiên để tập trận.
"Sáu tiếng rưỡi - đó là một khoảng thời gian dài để những chiếc máy bay khổng lồ bay tới Hàn Quốc tập trận, ném bom và sau đó quay lại Guam", ông Trump nói, "Tôi biết nhiều về máy bay mà, như vậy rất tốn kém".
Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện Mỹ, Bob Corker, cho rằng rất khó để đánh giá chuyện gì đã xảy ra ở thượng đỉnh.
Nói về hoạt động tập trận, Corker chia sẻ với Reuters rằng: "Tôi không biết đó là một thỏa thuận hay một phát ngôn tình thế. Nó không nằm trong thỏa thuận và đôi khi có những điều được nói ra và rồi rút lại sau khi trao đổi với Lầu Năm Góc, cũng như các cơ quan khác".
Thông tin "Mỹ ngừng tập trận" đúng là không nằm trong thỏa thuận chung được hai bên ký kết. Và tuyên bố này cũng không nằm trong phần phát biểu của ông Trump mà là câu trả lời ông đưa ra khi nhận được câu hỏi từ phía báo giới.
Thi Anh
Theo Thời đại