Các vấn đề về hợp tác và an ninh Biển Đông đã được đưa ra thảo luận trong Hội thảo quốc tế diễn ra hôm 18/6 tại Moscow. Hội thảo này quy tụ các nhà khoa học uy tín từ Nga, Ấn Độ, Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật và Singapore.
Theo tin tức trên Sputnik, nhà nghiên cứu chính trị Maxim Syunnerberg, một trong những vị khách tham dự hội nghị cho biết:
“Việc cần thiết phải tổ chức diễn đàn khoa học này xuất phát từ thực tế là xung đột Biển Đông đã trở thành một trong những điểm xung đột căng thẳng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.
Các nước xung đột đã mất nhiều thời gian đàm phán, nhưng đến giờ vẫn chưa thể thỏa hiệp và tìm được phương án giải quyết. Về tình hình này, các chuyên gia có những cách đánh giá khác nhau, và quan điểm của các nhà khoa học từ những nước không trực tiếp tham gia xung đột đặc biệt có giá trị”.
Hình ảnh các tàu nạo vét Trung Quốc tiến hành cải tạo trái phép tại Trường Sa. |
Kết luận này đã được khẳng định bằng kinh nghiệm của hội thảo tương tự được tổ chức tại Moscow năm 2013. Hàng loạt ý kiến đề xuất khi đó gây được sự chú ý của các bên xung đột và được tính đến khi tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề như tự do hàng hải, thăm dò khai thác dầu khí, đánh bắt cá.
Và bây giờ, các nhà khoa học uy tín từ Nga, Ấn Độ, Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật và Singapore lại tập trung tại Nga, để một lần nữa phân tích tình hình khu vực biển Đông, có tính đến thực tế ngày hôm nay và đề xuất những phương án làm dịu căng thẳng và giải quyết các mâu thuẫn.
Các tham luận của họ cũng đề cập đến việc Trung Quốc đưa thông tin sai lệch về đảo Trường Sa và tăng cường các đơn vị hải quân tham gia xung đột của các nước; vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tình hình ổn định khu vực, ảnh hưởng thất bại chiến lược của Mỹ ở Ukraine đối với sự thay đổi Chính sách của Mỹ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Yên Yên (Sputnik)