Hòa Thân là một đại tham quan sống ở thời nhà Thanh nhưng đồng thời cũng là sủng thần của hoàng đế Càn Long. Sau khi Càn Long qua đời, con trai ông là Gia Khánh lên kế vị đã tịch thu toàn bộ tài sản của Hòa Thân đồng thời ban lệnh chết. Tài sản Hòa Than có giá trị gấp 4 lần của ngân khố nhà Thanh lúc bấy giờ. Người đời có câu "Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no" với ngụ ý của cải mà Hòa Thân vơ vét được đủ để vua Gia Khánh dùng vào việc trị quốc.
Thậm chí, dân gian còn lưu truyền câu nói "Cái Càn Long có thì Hòa Thân cũng có, thế nhưng cái Càn Long không có thì chưa chắc Hòa Thân đã không có" để miêu tả sự giàu có của đại tham quan Hòa Thân. Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố Nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.
Dù biết Hòa Thân là nịnh thần và vơ vét nhiều của cải nhưng Càn Long không những không giết mà còn hết lòng trọng dụng. Theo Sohu.com, Hoàng đế Càn Long đã dung túng đồng thời cho Hòa Thân rất nhiều quyền lực trong suốt con đường quan lộ. Được Hoàng đế yêu thích, Hòa Thân không chỉ giữ các chức vụ quan trọng như Quân cơ đại thần, Ngự tiền đại thần, Văn hoa điện đại học sĩ.... mà còn kiểm soát công việc của Lại bộ, Hộ bộ, Thượng thư,... Địa vị của Hòa Thân có thể nói là "dưới một người trên vạn người".
Hòa Thân cũng chính là người đề xuất dùng lại luật "Nghị tội ngân" - tức lấy bạc để chuộc tội. Cụ thể, quan lại nào vi phạm thì có thể phạt bằng cách nộp số lượng bạc cho kim ngố của hoàng đế. Luật này được áp dụng cho cả quan lại đại thần lẫn các vị hoàng tử, nếu mắc lỗi nhỏ có thể chuộc lỗi bằng cách phạt tiền. Đây là một trong những cách để Hòa Thân vơ vét tài sản.
Trên thực tế, luật "Nghị tội ngân" xuất hiện vào đầu thời nhà Thanh. Hòa Thân chỉ là người "khởi động" lại luật này trong việc cai quản triều chính.
Năm Càn Long thứ 40 cũng là năm Hòa Thân đạt đỉnh cao về danh vọng, quyền lực và giàu có. Bề ngoài, luật "Nghị tội ngân" dùng để trừng phạt quan lại mắc lỗi nhưng thực chất lại là cách để quan lại lấy lòng hoàng đế. Thậm chí, có những người còn có tình mắc lỗi để được nộp phạt, hoặc biến tướng thành những món quà tặng lấy lòng Càn Long. Việc làm này vô tình khuyến khích quan đại thần thực hiện theo.
Điều đáng chú ý là Càn Long cũng ủng hộ cách làm này của Hòa Thân đồng thời cho rằng, Hòa Thân là vị quan biết nhìn xa trông rộng.
Không chỉ giỏi lấy lòng Càn Long, Hòa Thân được cho là có ngoại hình tuấn tú, có vài phần giống với người tình cũ của Càn Long nên được Hoàng đế sủng ái. Được biết, người tì thiếp này bị thất sủng và qua đời do lỗi của Càn Long. Chính vì vậy, khi thấy Hòa Thân, hoàng đế luôn có một sự ưu ái nhất định. Tuy nhiên, đây chỉ là lời đồn trong dân gian.