Trong vô số các điểm nóng căng thẳng toàn cầu, vấn đề nguy hiểm nhất hiện tại đang là tranh cãi giữa Ấn Độ và Pakistan. Và những sự kiện gần đây ở Kashmir đã khiến tình hình càng trở nên rủi ro hơn.
Nam Á là khu vực được đánh giá là có nguy cơ hạt nhân nguy hiểm nhất thế giới.
Lý do rất đơn giản: Ấn Độ và Pakistan đang có những bất đồng lâu dài, cả hai đều là cường quốc hạt nhân và có những động thái vượt qua ngưỡng đối đầu có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa cả hai.
Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu kiểm soát vũ khí từ lâu đã xác định tiểu lục địa Nam Á là một trong những điểm dễ “cháy nổ” hạt nhân nhất thế giới.
Ấn Độ và Pakistan có chung một lịch sử lâu dài và phức tạp và họ đã xảy ra xung đột trên lãnh thổ tranh chấp Kashmir kể từ năm 1947. Vùng đất ở Himalaya là một trong những khu vực quân sự hóa nhất trên Trái đất - như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi Kashmir là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới.
Kashmir rơi vào tình trạng khập khiễng về địa chính trị và tranh chấp biên giới từ lâu. Một cuộc chiến kéo dài hai năm nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947 và một cuộc chiến khác từng nổ ra vào năm 1965. Năm 1999, cuộc khủng hoảng Kargil được coi là lần gần nhất thế giới tiến đến chiến tranh hạt nhân kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
Các can thiệp ngoại giao trước đây đã giúp xoa dịu căng thẳng quân sự, nhưng một nền hòa bình lâu dài vẫn khó được định hình. Cả hai bên đã đào sâu những bất đồng dọc theo biên giới tranh chấp và các cuộc giao tranh quân sự luôn phổ biến, theo The Conversation.
Câu hỏi hạt nhân
Từ lâu, người ta đã tranh luận trong giới an ninh quốc tế rằng chính việc sở hữu vũ khí hạt nhân là điều ngăn cản các quốc gia sử dụng chúng trong chiến tranh. Vì vũ khí hạt nhân còn được gọi là vũ khí răn đe hay lằn ranh đỏ.
Thật vậy, trong thời kỳ hậu Thế chiến II, không có nhà nước nào sử dụng vũ khí nguy hiểm này - mặc dù vẫn còn khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Nhưng sự phổ biến hạt nhân theo chiều ngang đã khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm; càng nhiều quốc gia có chúng, càng có nhiều khả năng chúng sẽ được sử dụng ở một giai đoạn nào đó.
Vũ khí hạt nhân không thể ngăn cản các quốc gia sử dụng sức mạnh quân sự thông thường chống lại nhau. Ngược lại, khi các xung đột thông thường nhanh chóng leo thang, khả năng hạt nhân được đem vào sử dụng cũng dễ xảy ra.
Vì vậy, khả năng Ấn Độ và Pakistan (cả hai có từ 130 đến 150 đầu đạn) tham gia vào một cuộc chiến tranh hạt nhân là bao nhiêu?
Sự leo thang gần đây nhất chỉ là một ví dụ khác về những căng thẳng đang diễn ra giữa các nước láng giềng hạt nhân này. Nó được kích hoạt bởi vụ đánh bom tự sát nhắm vào đoàn xe bán quân sự Ấn Độ vào giữa tháng 2. Trong cuộc tấn công đó, hơn 40 người đã thiệt mạng, chủ yếu là quân nhân Ấn Độ - và Jaish-e-Mohammed - một nhóm khủng bố Hồi giáo ở Pakistan, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hiện đang bị cuốn vào cơn sốt bầu cử, đã cảnh báo về một “phản ứng nghiền nát”, và tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa do Pakistan kiểm soát. Động thái này đưa ra không lâu trước khi cả hai bên trao đổi hỏa lực pháo binh trên đường ranh giới và cuộc xung đột nhanh chóng leo thang.
Trong khi đó, trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Imran Khan của Pakistan tuyên bố rằng bất kỳ sự leo thang nào nữa giữa các quốc gia sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của giới lãnh đạo:
“Với vũ khí họ có và vũ khí chúng ta có, chúng ta liệu có tính toán sai không? Lẽ nào chúng ta không nghĩ rằng nếu điều này leo thang, nó sẽ dẫn đến điều gì?”
Quả bóng hiện tại đang nằm trong chân Ấn Độ. Thủ tướng Modi có quyền lựa chọn leo thang xung đột bằng cách triển khai nhiều máy bay phản lực vào lãnh thổ Pakistan, điều này có thể dẫn đến một loạt các cuộc trả đũa. Vì vậy, những gì có thể xảy đến tiếp theo?
Kể từ năm 1974, khi Ấn Độ làm choáng váng thế giới bằng thử nghiệm hạt nhân bất ngờ với vũ khí “Phật cười”, Nam Á đã được coi là một vấn đề hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, Ấn Độ, giống như Trung Quốc, đã duy trì một học thuyết về “Không sử dụng đầu tiên”.
Điều này nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân. Chính sách này được tuyên bố vào năm 1999, một năm sau khi Pakistan thử nghiệm thành công năm vũ khí hạt nhân của chính mình. Nhưng Pakistan cho đến nay đã từ chối đưa ra bất kỳ học thuyết rõ ràng nào về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của họ.
Nguy cơ lên đỉnh
Các kho vũ khí kết hợp của Pakistan và Ấn Độ là nhỏ so với Mỹ, Nga hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng mạnh hơn những quả bom được thả xuống Nhật Bản vào năm 1945 và có thể lan tỏa sự hủy diệt đáng kinh ngạc nếu được triển khai trên các mục tiêu dân sự.
Trên thực tế, ngay cả một cuộc đáp trả dù hạn chế nhất giữa hai quốc gia, trong một tích tắc, sẽ là một trong những điều tai họa nhất từ trước đến nay, chưa kể đến hậu quả phóng xạ và tác động lâu dài đến môi trường.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Ấn Độ, INS Arihant , đã đi vào hoạt động vào năm 2018, mang lại cho nước này “bộ ba hạt nhân” – với khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân mặt đất, trên không và trên biển. Tên lửa đạn đạo mặt đất Agni III có tầm bắn khoảng 3.000km.
Trong khi đó, Pakistan có kho vũ khí hạt nhân lớn hơn một chút - ước tính khoảng 140-150 đầu đạn trong năm 2017 – nhưng ít có khả năng đưa chúng đến mục tiêu hơn. Mặc dù Pakistan đang phát triển các tên lửa đạn đạo mới, nhưng phạm vi tên lửa đạn đạo hiện tại của nước này là 2.000km và nước này không có tàu ngầm vũ trang hạt nhân. Dù bằng cách nào, hiện tại sẽ mất ít hơn bốn phút để một tên lửa hạt nhân được phóng từ Pakistan đến Ấn Độ và ngược lại.
Trong trường hợp xấu nhất khiến đáp trả hạt nhân xảy ra, tiến bộ công nghệ cũng có thể làm trầm trọng thêm tình hình đã phát sinh.
Kho vũ khí của Ấn Độ hiện bao gồm BrahMos, một tên lửa hành trình được phát triển cùng với Nga, có thể được bắn từ đất liền, trên biển hoặc trên không và được sử dụng làm vũ khí chế áp lực lượng. Học thuyết chế áp lực lượng trong chiến lược hạt nhân có nghĩa là nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự của đối thủ bằng một cuộc tấn công hạt nhân.
Sự bất mãn ở Kashmir cũng có thể gia tăng và dẫn đến khủng hoảng hơn nữa. Cho đến nay, chưa có một Chính phủ Ấn Độ nào cho thấy ý chí chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng Kashmir, phi quân sự hóa hoặc áp dụng sự khéo léo ngoại giao cần thiết để đàm phán một giải pháp với Pakistan.
Thủ tướng Modi cũng không thể kiểm soát và ngăn chặn những người theo đạo Hindu có tư tưởng cứng rắn, sẵn sàng đối đầu với người Hồi giáo ở phía bên kia Pakistan.
Trong quá khứ, trong các giai đoạn căng thẳng toàn cầu, Mỹ đã đi đầu trong việc quản lý khủng hoảng. Nhưng có vẻ như bây giờ không chắc rằng Islamabad hay New Delhi sẽ nhờ cậy đến chính quyền Trump để được hỗ trợ trong việc giải toả cuộc xung đột.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo của cả hai nước còn phải xem xét phản ứng của cường quốc hạt nhân thứ ba châu Á, Trung Quốc, vốn luôn là trọng tâm chính của chương trình hạt nhân của Ấn Độ.
Hiện tại, Ấn Độ và Pakistan đang cho thấy một số bất đồng quan trọng. Nhưng họ cần phải làm việc để sửa chữa lại một cách lâu dài. Bởi điều cuối cùng mà hai nước cũng như cả thế giới không muốn nhìn thấy nhất đó là một đám mây hình nấm ở Nam Á.